Theo dõi trên

Lắng lọc, nấu sôi nước phòng các bệnh lây qua đường nước

19/04/2024, 05:08

Nắng nóng kéo dài gây thiếu nước sinh hoạt. Người dân sử dụng nước sông, ao, hồ… Vì vậy, ngành y tế tỉnh hướng dẫn cách xử lý nước để có nước an toàn sử dụng phòng, chống các bệnh lây qua đường nước.

Hơn 26.872 hộ thiếu nước

Từ đầu năm 2024 đến nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây nguyên. Bình Thuận có nhiều hộ dân ở rải rác các xã, phường, thị trấn không nằm ngoài câu chuyện thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại 5 huyện (Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh) và TP. Phan Thiết với 26.872 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

ngu-n.-lan-5-.jpg

Bằng chứng, những ngày này sông Linh ở xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) cạn trơ đáy, chỉ còn lại đá cuội. Không ít người dân ở thôn 1 của xã này ra sông Linh moi hố ở giữa sông và chờ mạch nước nhỉ ra để múc từng ca đổ vào can nhựa, mang về sử dụng cho việc sinh hoạt hàng ngày. Câu chuyện này xảy ra hàng năm ở khu vực này khi mùa khô đến. Nắng càng gay gắt, thì mạch nước nhỉ ra càng chậm. Một số người dân Hàm Cần phản ánh: “Nước lấy từ sông Linh về tiết kiệm từng chút. Có những lúc nước cạn kiệt đến mức phải ưu tiên cho việc uống, rửa, nấu ăn… chứ không còn nước để tắm”.

Không riêng gì sông Linh ở xã Hàm Cần cạn nước mà còn có những con sông, suối khác ở trong tỉnh cũng khô dòng như thế. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có nguy cơ gây nên hạn hán, thiếu nước sạch cho sinh hoạt. Sự thiếu nước sinh hoạt ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cách lắng lọc nước

Để bảo vệ sức khỏe người dân trong hoàn cảnh khô hạn gay gắt, thiếu nước sinh hoạt, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh yêu cầu các đơn vị trong ngành y tế tỉnh phổ biến hướng dẫn của Cục Quản lý Môi trường Y tế đến người dân về cách xử lý nước đơn giản để có nước an toàn sử dụng tạm thời cho mục đích sinh hoạt trong mùa khô hạn, thiếu nước.

Với nơi không có nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch, người dân cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt; dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch để làm trong nước. Khi nước trong, người dân khử trùng nước bằng hóa chất hoặc nấu sôi.

Nước được khử trùng dùng cho mục đích sinh hoạt, nhưng vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được. Cùng lúc, không vừa khử trùng vừa đánh phèn. Bởi phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng, ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo, thì mở nắp, chờ thêm 0,5 - 1 giờ cho bớt mùi rồi sử dụng. Chỉ sử dụng nước uống trực tiếp sau khi nấu sôi.

Nước sau khi nấu sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên nấu nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước nấu sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng. Ngoài các biện pháp trên, người dân có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Nước đầu vào thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Một khi sử dụng nước an toàn, thì người dân phòng, chống các dịch, bệnh lây qua đường nước như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
TP. Phan Thiết: Giải pháp nào xử lý tình trạng vứt rác bừa bãi tại Phú Tài?
Thường xuyên phát động nhiều đợt ra quân dọn dẹp, tích cực tuyên truyền, xây dựng chuyên đề tổng vệ sinh môi trường, phạt nguội bằng camera, nhưng mọi việc sau một thời gian lại tái diễn. Có vẻ việc xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định đã trở thành căn bệnh “mãn tính” khó trị tại phường Phú Tài.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lắng lọc, nấu sôi nước phòng các bệnh lây qua đường nước