Theo đó, họ đã tán đồng kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu mới để đối phó với kế hoạch đầu tư “Vành đai va Con đường” của Bắc Kinh, vốn bị Mỹ chỉ trích như là một bẫy nợ đối với các quốc gia đang chịu một khoản nợ khổng lồ vay của Trung Quốc.
Nhà Trắng thông báo, Mỹ cũng như các lãnh đạo G7 đồng lòng nhất trí đưa ra một sáng kiến mới đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. G7 và các đối tác cùng chí hướng khác sẽ cùng nhau phát triển cơ sở hạ tầng ở Mỹ La Tinh, châu Phi, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các khu vực khác một cách minh bạch, bền vững và thân thiện với môi trường.
Họ lên kế hoạch huy động hàng trăm tỷ USD thông qua các cơ quan, tổ chức ở Mỹ và các quốc gia khác, cùng với khu vực tư nhân.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiệt liệt ủng hộ sáng kiến này. Bởi nó dường như được thiết kế để chống lại Trung Quốc bằng cách tạo ra một khuôn khổ để các nền dân chủ hàng đầu thế giới giúp đỡ các nước đang phát triển.
Ngoài ra, tại hội nghị lãnh đạo các nước G7 thảo luận nhiều về đại dịch Covid-19 với lãnh đạo các nước Hàn Quốc, Nam Phi và Úc. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng thảo luận qua trực tuyến.
Sau cùng đều nhất trí thông qua Tuyến bố Vịnh Carbis (được đặt tên theo thị trấn duyên hải ở Cornwall (Tây Nam nước Anh), nơi lãnh đạo G7 đang tổ chức hội nghị, đưa ra một loạt cam kết bao gồm phát triển vắcxin phòng, chống Covid-19 và phương pháp điều trị, chẩn đoán trong thời gian 100 ngày kể từ khi xác định được mối đe dọa của bệnh dịch trong tương lai.
Ninh Chinh (theo NHK English)