Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait cùng 10 nước thành viên ASEAN được cho là có nhiều tiềm năng hợp tác cả song phương và đa phương. Vì thế, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cả hai bên về đối thoại và hợp tác, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp.
Dư luận và báo chí khu vực đánh giá và nhìn nhận về sự kiện này
ASEAN và GCC thiết lập quan hệ từ năm 1990 và từ đó đến nay đã có nhiều cuộc gặp chính thức và không chính thức ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, cùng những chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thư ký 2 Khối khu vực. Tuy nhiên, hôm nay là lần đầu tiên Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC diễn ra và điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận và báo chí khu vực.
Các chuyên gia về ASEAN và Trung Đông đều thừa nhận rằng trong một thời gian dài, mối quan hệ giữa hai khu vực khá khiêm tốn, chủ yếu là về trao đổi văn hóa. Những năm gần đây, tất cả sáu thành viên GCC đều ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với ASEAN. Đó là cơ sở thuận lợi để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai cơ chế khu vực này.
Ở góc độ khác, hội nghị diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại chung về sự cạnh tranh ngày một mạnh mẽ và rõ rệt hơn giữa các siêu cường. Điều này đặt ra những thách thức đối với nhiều quốc gia nhỏ, song cũng là đòi hỏi cấp thiết để làm sâu sắc thêm hợp tác giữa các khối khu vực.
Đông Nam Á và Vùng Vịnh đều là hai vị trí địa chiến lược, là điểm đến hợp tác của các cường quốc. Vì thế, sự kết nối giữa hai bên không chỉ nhằm tăng cường sự hợp tác vì lợi ích chung mà còn là cơ hội học hỏi lẫn nhau trong nỗ lực điều chỉnh và hài hòa mối quan hệ với các nước lớn, giảm thiểu tác động bất lợi của cạnh tranh địa chính trị...
Một số chuyên gia khác cho rằng, có rất nhiều tiềm năng để ASEAN và GCC thúc đẩy hợp tác hơn nữa về thương mại, năng lượng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hay việc hai bên cùng phát triển các tiêu chuẩn chung đối với thực phẩm Halal đáp ứng các quy định của Hồi giáo.
Trong khi đó, ASEAN cũng cần hợp tác với GCC để ổn định thị trường dầu mỏ vốn có nhiều biến động, thu hút nguồn vốn đầu tư…Do đó, một hội nghị cấp cao là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong những ngày qua, nhiều tờ báo quốc tế lớn đã thông tin về kế hoạch của hội nghị cấp cao ASEAN – GCC, đưa ra những kỳ vọng về kết quả mà hội nghị sẽ đem lại, rằng liệu hai bên có đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ trong thời gian tới, cùng nhau giúp giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Chương trình nghị sự của hội nghị
Hiện nay, ASEAN chủ trương làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước lớn, mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực trên thế giới nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng, xây dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại và hợp tác.
Trong khi đó, GCC chủ trương đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông và quan tâm hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, các nước thành viên GCC đều đã cử Đại sứ tại ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). ASEAN cũng đã thiết lập các Ủy ban ASEAN tại thủ đô của tất cả các nước thành viên GCC.
Với những chủ trương và nền tảng quan hệ đó, tại hội nghị cấp cao này, lãnh đạo các nước dự kiến thảo luận, đánh giá tổng thể sự hợp tác giữa ASEAN và GCC thời gian qua; đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN-GCC thời gian tới.
Qua hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh cần hoàn thiện thêm khung pháp lý để tăng cường hợp tác song phương trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Theo đó, hai bên có thể tính đến khả năng đàm phán, ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế song phương, phục vụ tốt hơn nữa cho lợi ích của chính phủ và nhân dân cả hai nhóm nước.
Lãnh đạo ASEAN và GCC cũng sẽ thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm, trong đó sẽ những quan ngại hiện nay về tình hình cuộc xung đột Israel và dải Gaza – nơi mà GCC có vai trò quan trọng. Thủ tướng Malaysia đang mong muốn, rằng hội nghị cấp cao, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo khối khu vực ASEAN-GCC, sẽ là một nền tảng tốt để giải quyết và tìm kiếm các giải pháp tập thể nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột tại Gaza và giúp giảm bớt nỗi đau khổ của người dân Palestine.
Ngoài ra, vấn đề xung đột Nga – Ukraine, cạnh tranh thương mại Mỹ – Trung, những điều phối của OPEC+ đối với thị trường dầu mỏ cũng là những vấn đề được lãnh đạo GCC và ASEAN quan tâm. Đây cũng là dịp để các nước thành viên của ASEAN và GCC có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương hơn nữa tại các cuộc gặp bên lề. Dự kiến, tại Hội nghị cấp cao, lãnh đạo các nước sẽ nỗ lực để Tuyên bố chung về Cấp cao ASEAN-GCC và Khung hợp tác ASEAN-GCC giai đoạn 2024-2028.
Trước tiên, hợp tác giữa ASEAN và GCC sẽ chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên, từ chính trị, kinh tế, thậm chí là an ninh; đồng thời cũng nâng cao vị thế của 2 Khối khu vực trên trường quốc tế. Như tôi đã nói ở trên, hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh các nước lớn mạnh mẽ hơn, đòi hỏi việc tăng cường hợp tác giữa các Khối Khu vực.
Động lực thúc đẩy sự hợp tác dựa trên nhu cầu và chính sách thúc đẩy đa dạng hóa mối quan hệ và đa dạng hóa nền kinh tế của GCC nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, độc lập về chính sách, mở rộng nền kinh tế vượt ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ, trong khi ASEAN là một trong những thị trường mới tiềm năng, năng động mà GCC cần hướng tới. Quan hệ tốt với ASEAN, vị thế khu vực Trung Đông của GCC cũng sẽ được nâng cao khi đây cũng là khu vực mà đối thủ Iran hay cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy hợp tác.
Về phía ASEAN, các quốc gia này cũng nhân bối cảnh hiện nay, tranh thủ thu hút đầu tư từ các nước GCC nhờ quỹ dầu mỏ dư thừa của họ. Một thỏa thuận hợp tác về dầu mỏ để duy trì ổn định thị trường năng lượng cũng là điều một số thành viên ASEAN hướng tới, trong bối cảnh giá xăng, dầu đang leo cao và không ổn định.
ASEAN cũng có thể cần GCC hỗ trợ trong việc chuyển hướng phát triển năng lượng sạch – lĩnh vực mà GCC cũng đang rất thành công… Hợp tác với GCC, tiếng nói của ASEAN cũng sẽ mạnh mẽ hơn trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Do đó, hai bên cần thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa trong thời gian tới để tương xứng với thế mạnh và tiềm năng của cả hai bên.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp, thì việc mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức khu vực trên thế giới không chỉ là mục tiêu của ASEAN. Với chủ trương đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, các nước Vùng Vịnh cũng đang tìm kiếm thị trường mới, trong đó Đông Nam Á được xem là khu vực tiềm năng giúp họ đa dạng hóa nền kinh tế, không chỉ tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ. Hội nghị cấp cao ASEAN – GCC lần này sẽ giúp hai bên thiết lập những khuôn khổ hợp tác mới, thực chất và hiệu quả hơn.