Thời gian qua, số ca mắc SXH tại thị xã La Gi liên tục tăng cao, trong đó có phường Phước Hội. Với đặc thù các hộ dân sinh sống chủ yếu ở khu vực ven sông Dinh, mật độ dân cư của phường Phước Hội khá dày trong khi đó một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm đến công tác phòng, chống SXH; vẫn còn chứa nước trong các vật dụng không có nắp đậy; các dụng cụ phế thải chưa được người dân lật úp, hủy bỏ là điều kiện thuận lợi để muỗi, vật thể trung gian truyền bệnh phát triển. Mặc dù trước đó, phường Phước Hội đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng bọ gậy nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả.
Trên cơ sở kiểm tra thực địa tại các khu phố trọng điểm và nắm bắt tình hình công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn phường Phước Hội, Phó Chủ tịch UBND thị xã La Gi yêu cầu chính quyền địa phương cần thực hiện tốt phương châm “Ổ dịch xuất hiện ở đâu thì tổ chức xử lý dứt điểm ngay tại đó”. Đồng thời phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi tuyên truyền; phát động người dân ra quân tổng vệ sinh môi trường tại những nơi có nguy cơ cao để hạn chế thấp nhất SXH phát sinh; thường xuyên tổ chức xử lý dứt điểm các vật dụng chứa nước. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thị xã cũng yêu cầu Trung tâm Y tế tập trung hỗ trợ cho phường xử lý, khống chế dứt điểm ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng. Tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời người nhiễm bệnh…
Trước đó, để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp trên địa bàn thị xã, từ ngày 15/11 đến ngày 30/11, UBND thị xã phát động Chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXH tại 9/9 xã, phường. Chiến dịch nhằm đưa các hoạt động phòng, chống bệnh SXH đến tận hộ gia đình, tuyên truyền vận động cộng đồng, thực hiện các biện pháp loại trừ lăng quăng với khẩu hiệu hành động là “Không có lăng quăng, không có muỗi, không có SXH”. Đồng thời, tạo ra phong trào vệ sinh môi trường trong cộng đồng nhân dân nhằm làm giảm mật độ côn trùng (lăng quăng, muỗi) trong thời gian ngắn nhất để giảm bớt sự lan truyền bệnh dịch, khống chế không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn thị xã La Gi…