Theo dõi trên

Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo cải cách thủ tục hành chính

25/03/2016, 16:31

BTO- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đó là một nội dung trọng tâm của cải cách hành chính. Nhìn lại 5 năm qua (2011 – 2015), cố gắng cải cách TTHC ở Bình Thuận đã đạt được một số kết quả.

Tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” UBND TP. Phan Thiết

Về công khai minh bạch, toàn bộ TTHC đã được các sở, ngành, địa phương niêm yết tại trụ sở làm việc, ở vị trí thuận tiện để nhân dân tìm hiểu, thực hiện. Các TTHC cũng được đăng tải trên trang tin điện tử của các sở, ngành, địa phương.

Nhiều TTHC không cần thiết được bãi bỏ, nhiều quy trình và TTHC khác được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết cho nhân dân và doanh nghiệp. Các cơ quan nhà nước đã tiếp nhận 149 ý kiến phản ánh, kiến nghị của dân, từ đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý các CBCC giải quyết TTHC chậm trễ, hoặc có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được duy trì nề nếp, thông suốt, bảo đảm giải quyết TTHC cho dân và doanh nghiệp nhanh chóng, đúng pháp luật. Đến nay tất cả các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 127/127 đơn vị cấp xã, 4 ngành dọc (Công an tỉnh, Kho bạc, Cục thuế, BHXH), 2 DNNN (Điện lực, Cấp thoát nước) đã thực hiện một cửa, một cửa liên thông. Vấn đề là nâng cao chất lượng cơ chế này.

Nhưng nếu lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá, thì kết quả cải cách TTHC ở Bình Thuận 5 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế.

Trước tiên là TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, quy trình còn phức tạp, nhưng công tác rà soát, thực thi phương án đơn giản hóa TTHC còn chậm (đến nay chỉ có 2 đơn vị là Sở Công thương và Sở VH-TT-DL hoàn thành công tác rà soát TTHC), UBND tỉnh cần cương quyết chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát, bãi bỏ các TTHC không cần thiết, không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém cho dân.

Tình trạng CBVC giải quyết TTHC cho dân vẫn còn chậm trễ, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hành chính tư pháp… Đặc biệt các cơ quan nhà nước không nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi dân khi CBCC giải quyết hồ sơ trễ hẹn. Trong đại đa số trường hợp hồ sơ trễ hẹn, CBCC thường chọn cách “im lặng là vàng”.

Qua kết quả khảo sát chỉ số PCI và PAPI của Bình Thuận mấy năm qua, người dân và doanh nghiệp chưa hài lòng về dịch vụ công chứng, chứng thực, TTHC lĩnh vực đất đai còn phiền hà, rối rắm. Đặc biệt khảo sát chỉ số PCI năm 2014 cho thấy: có tới 57,4% doanh nghiệp được hỏi cho rằng: “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”!.

Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC cho dân và doanh nghiệp chưa tốt, nhất là lĩnh vực cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư, đất đai, cấp phiếu lý lịch tư pháp… Nhiều trường hợp vì né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, làm hồ sơ trễ hẹn kéo dài, dân và doanh nghiệp phải đi lên đi xuống khổ sở.

UBND tỉnh vừa đánh giá kết quả thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn I (2011 – 2015) và triển khai nhiệm vụ giai đoạn II (2011 – 2020). Về cải cách TTHC 5 năm tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa tất cả TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, loại bỏ hoặc sửa đổi các TTHC không phù hợp, rườm rà, phức tạp, trên một số lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư, đất đai, xây dựng, sở hữu nhà ở, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tiếp cận điện năng, quản lý thị trường, y tế, giáo dục…

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo cải cách thủ tục hành chính