Hàng năm, cứ sau Tết Nguyên đán của dân tộc, các lăng, vạn trên đảo Phú Quý đều tất bật chọn một ngày tốt để tổ chức lễ hội cầu ngư đầu năm. Tại vạn An Thạnh - khu di tích lịch sử cấp quốc gia, cầu ngư đầu năm được xem là một lễ hội truyền thống của ngư dân và được gọi là lễ tế xuân, cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, ngư dân đánh bắt được mùa. Lễ hội quy tụ các cụ lão, các mẹ, các chị và đông đảo ngư dân đều tề tựu về vạn để chuẩn bị lễ vật, đèn, hoa tổ chức rước thần Nam Hải từ biển vào vạn.
Trong nghi lễ, chủ tế sẽ thực hiện các nghi lễ cúng cáông; đọc văn tế mời gọi các vị thần biển về an vị, tiếp đến là đội múa lân biểu diễn chào mừng lễ hội chúc mừng một năm đánh bắt gặp nhiều thắng lợi.
Ấn tượng nhất vẫn là hò chèo bá trạo, đây là phần hội không thể thiếu trong lễ hội cầu ngư, diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to, gió lớn, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bá trạo, vừa là nghi thức tế, vừa là hoạt động nghệ thuật thể hiện cảnh sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo, kéo lưới.
Ông Đỗ Lẩm, ngư dân xã Tam Thanh cho biết: “Cầu ngư đầu năm là phong tục của ngư dân chúng tôi, dù tất bật đến mấy khi đến ngày cầu ngư, các ngư dân đều tạm gác lại việc ra khơi, để tập trung về lăng, vạn chuẩn bị phục vụ cho công tác cầu ngư, mong muốn đem lại may mắn năm mới cho ngư dân ra khơi đánh bắt”.
Lễ hội cầu ngư lưu giữ những tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những nét đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.
Ông Phạm Tài, một thầy nho trên đảo, cho biết: “Cầu ngư đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời êm, biển lặn, ngư dân đánh bắt được mùa, ngư dân Phú Quý tín ngưỡng thần Nam Hải và các vị thần khác dưới biển, để năm mới ra khơi đánh bắt thắng lợi”.
Những ngày đầu năm, lễ cầu ngư được tổ chức rộn ràng nhưng cũng đầy nghiêm trang với nhiều nghi lễ dân gian thật ý nghĩa, đầy màu sắc, thể hiện niềm tin và lòng tôn kính của những người lao động biển với thần Nam Hải, đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa riêng của ngư dân vùng biển.
Châu ThỌ