Lễ hội Cầu ngư có cấu trúc, diễn trình phong phú và hấp dẫn, chứa đựng nhiều nghi lễ, yếu tố văn hóa gắn với môi trường sinh kế của ngư dân, cũng như tích hợp một số giá trị văn hóa của các tín ngưỡng, tôn giáo khác. Đó là sự đan xen giữa các nghi lễ mang đậm sắc thái tín ngưỡng thờ cúng cá Ông với một số nghi lễ của Phật giáo, đình làng và văn hóa của người Hoa. Lễ hội là một bộ phận quan trọng cấu thành nên giá trị văn hóa biển lâu đời của người Việt ở miền Trung nói chung và Bình Thuận nói riêng. Là nơi hội tụ các yếu tố văn hóa dân gian miền biển, chứa đựng những bài học về cách thức ứng xử với biển và một phần cội nguồn của văn hóa dân tộc. Hệ thống các nghi lễ thể hiện khát vọng chính đáng của ngư dân cầu mong cho hoạt động kinh tế biển bình an và được mùa. Nói lên lòng quý trọng biển, lòng biết ơn những gì biển đem lại cho con người. Trong đó cá Ông, các vị Hải thần đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và là chỗ dựa để ngư dân đặt niềm tin và an tâm khi lao động trên biển.
Lễ hội Cầu ngư ở thành phố Phan Thiết
Việc được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thốngtrong lễ hội, góp phần phát triển ngành du lịch ở địa phương.
T.Linh. Ảnh: Đình Hòa