Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) Michelle Bachelet kêu gọi tăng cường cuộc trấn áp kẻ buôn người sau khi một con thuyền đánh cá chở 750 người bị chìm, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Con thuyền bị lật và chìm ở ngoài khơi, cách thị trấn Pylos của Hy Lạp 80km về phía Nam hôm 14/6. Hàng trăm phụ nữ và trẻ em mắc kẹt trong khoang thuyền. Chỉ giải cứu được 104 người và cuộc cứu hộ tìm kiếm nạn nhân cho đến nay đã không có hiệu quả.
Bà Michelle Bachelet kêu gọi các quốc gia phải có lập trường cứng rắn hơn đối với những kẻ buôn người. Jeremy Laurence, phát ngôn viên của Văn phòng Nhân quyền LHQ cho biết: “Những gì xảy ra hôm 14/6 nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra những kẻ buôn lậu người và buôn người để đưa chúng ra công lý”.
Một tổ chức từ thiện kêu gọi cuộc điều tra độc lập về vì sao con thuyền bị chìm, trong lúc nó đang được Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp theo dõi.
Giới chức Hy Lạp, những người nhận được cảnh báo của Italy và theo dõi con thuyền trong khoảng 15 giờ trước khi nó chìm cho biết, người trên thuyền nhiều lần từ chối sự giúp đỡ của Hy Lạp vì họ muốn đến Italy.
Trong khi nhóm hành động vì người tị nạn Alarm Phone, một tổ chức điều hành mạng lưới xuyên châu Á chuyên hỗ trợ các hoạt động cứu hộ đã liên lạc với người trên thuyền, lại khẳng định rằng, người trên thuyền đã cầu xin sự giúp đỡ ít nhất hai lần; thông báo cho chính quyền Hy Lạp và các cơ quan cứu trợ vài giờ trước khi thảm họa xảy ra.
Hy Lạp bác bỏ thông tin con thuyền bị lật khi Lực lượng bảo vệ bờ biển của mình cố gắng lôi kéo. Phát ngôn viên lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp Nikos Alexiou nói với ERT - Đài Truyền hình quốc gia Hy Lạp: “Không có sự nỗ lực nào lôi kéo con thuyền”.
Nhóm Alarm Phone khẳng định, phải có những hành động của Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp vào con thuyền mới dấy lên nhiều câu hỏi và kêu gọi cuộc điều tra. Có rất nhiều câu hỏi mở liên quan đến vụ chìm thuyền này. Chúng tôi cần một cuộc điều tra độc lập về hoạt động/hành động của Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp. Yêu cầu tiếp tục tìm kiếm những người mất tích và trước khi chôn cất các thi thể phải lấy mẫu xét nghiệm DNA.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp và các quan chức chính phủ cho biết, các tàu tuần tra của họ và các tàu chở hàng gần đó đã theo dõi con thuyền này kể từ chiều 13/6, sau khi một máy bay giám sát của Cơ quan biên giới và cảnh sát biển châu Âu phát hiện.
Đồng thời giải thích, con thuyền này dừng lại một thời gian ngắn để lấy thức ăn và nước uống từ một con tàu treo cờ Malta, nhưng một người trên tàu nói bằng tiếng Anh qua điện thoại, không cần hỗ trợ thêm và muốn tiếp tục hành trình đến Ý. “Từ 12h30 đến 18h00, phòng điều hành thương mại hàng hải liên tục liên lạc với con thuyền. Nhưng họ lặp đi lặp lại rằng, muốn đến Ý và không muốn bất kỳ sự hỗ trợ nào từ Hy Lạp”, lực lượng bảo vệ bờ biển nói thêm.
Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp có nên sớm can thiệp hộ tống con thuyền đến nơi an toàn.
“Thuyền đánh cá dài từ 25 đến 30 m. Trên boong thuyền chật cứng người và chúng tôi cho rằng, bên trong khoang cũng đầy người như vậy,” ông Alexiou nói. Ông nêu thêm, con thuyền có thể sớm bị lật nếu họ cố gắng can thiệp. Bạn không thể chuyển hướng một chiếc thuyền với rất nhiều người trên thuyền bằng vũ lực trừ phi có sự hợp tác của thủy thủ đoàn và hành khách.
Kể từ lúc con thuyền chìm đến nay đã bắt được 9 nghi phạm chủ mưu chuyến hành trình bất hợp pháp của con thuyền... hầu hết họ là người Ai Cập. Giới chức cho biết, họ phải đối mặt với cáo buộc ngộ sát bất cẩn, khiến tính mạng gặp nguy hiểm, gây ra vụ chìm thuyền và buôn người.
Dimitris Chaliotis, một tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Hy Lạp, người tham gia hoạt động giải cứu nói rằng, hầu hết những người di cư trên tàu là người Libya và Syria. Hy Lạp là một trong những tuyến đường chính vào châu Âu của người tị nạn và người di cư từ Trung Đông, châu Á và châu Phi.
LHQ ghi nhận hơn 20.000 trường hợp tử vong và mất tích ở trung tâm Địa Trung Hải kể từ năm 2014, khiến nơi đây trở thành điểm di cư nguy hiểm nhất trên thế giới.
Theo dữ liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế công bố hồi đầu tháng, khoảng 3.800 người đã chết trên đường di cư cả đường biển và đường bộ trong và ngoài khu vực Trung Đông - Bắc Phi vào năm ngoái, cao nhất kể từ năm 2017.