Theo dõi trên

Liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thanh long

25/11/2020, 08:25

BT- Hội thảo về “Liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã (HTX) thanh long trên địa bàn tỉnh” vừa được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tổ chức vào ngày 24/11 tại TP. Phan Thiết. Đây là một trong những chuỗi sự kiện thuộc chương trình dự án “Thúc đẩy an ninh con người - không để ai lại phía sau thông qua ứng phó tổng hợp với dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Qua đó, nhằm kết nối và đa dạng hóa thị trường cho các HTX và thành viên HTX sản xuất thanh long tại Bình Thuận.

                
      Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các HTX thanh long trên địa bàn tỉnh và nhiều đơn vị liên quan đã được các chuyên gia, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước phân tích sâu về thị trường thanh long; tiềm năng và thách thức trước tác động của dịch Covid-19; định hướng sản xuất - liên kết tiêu thụ thanh long theo nhu cầu thị trường thế giới. Theo đó, các chuyên gia nhận định, liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long phải xác định “bán sản phẩm thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có”. Doanh nghiệp sẽ là đầu tàu, dẫn dắt sản xuất, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững trên cơ sở hai bên cùng thấu hiểu và hợp tác. Ngoài ra, nông dân cần chú ý điều tiết mùa vụ sản xuất và sản lượng thu hoạch theo đơn hàng của doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa thiếu, vừa thừa”. Đồng thời, cơ cấu lại chi phí đầu vào hợp lý; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới - hạ giá thành sản xuất; liên kết với doanh nghiệp ứng dụng giống mới, sản xuất hữu cơ phục vụ thị trường chất lượng cao và gia tăng giá trị xuất khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện Bình Thuận có hơn 30.000 ha thanh long, sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên, thanh long Bình Thuận chủ yếu buôn bán biên mậu sang thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu các loại nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng qua Trung Quốc bị ảnh hưởng. Các cửa khẩu ngừng thông quan để kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hàng hóa tồn đọng, thanh long rớt giá kéo theo tình hình sản xuất bị đình trệ.

Chính vì vậy, để thực hiện các giải pháp sản xuất, xuất khẩu thanh long trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất, xây dựng mùa vụ phù hợp tình hình thực tế, tạm ngừng chong đèn… Đồng thời tập trung chăm sóc, nhằm kéo dài thời gian thu hoạch; song song đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, để phục vụ nội địa và xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa khâu kết nối - liên kết, tiêu thụ sản phẩm, có định hướng cho người dân sản xuất theo nhu cầu khách hàng…                 

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong “thất bại”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các HTX thanh long