Theo dõi trên

Liên quan loạt bài “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao: Tình hình cơ bản đã ổn định

19/07/2022, 05:39

Sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, do đó nhiều tuần qua, các ngành chức năng của tỉnh không ghi nhận trường hợp nào trình báo việc con em mình bị lừa sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao.

Không ghi nhận trường hợp mới

Theo thống kê của Công an tỉnh, đến ngày 15/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 19 trường hợp người dân đến cơ quan công an trình báo việc con em mình bị các đối tượng xấu dụ dỗ sang Campuchia làm việc trái phép rồi yêu cầu gia đình bỏ số tiền lớn ra chuộc về. Trong đó, tháng 5/2022, cơ quan công an ghi nhận nhiều trường hợp người dân đến trình báo nhất. Đến ngày 15/6, Công an tỉnh và công an các địa phương đã ghi nhận 12 vụ việc với 16 người có liên quan. Trong đó, có 5 trường hợp đã được gia đình qua Campuchia chuộc về với số tiền từ hơn 60 - 100 triệu đồng/người. Đến ngày 20/6, khi báo Bình Thuận khởi đăng loạt bài “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao và các trang mạng xã hội chia sẻ thông tin trên, thì nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ đã biết và không còn bị các đối tượng xấu dụ dỗ. 3 trường hợp còn lại là những người đã bị dụ dỗ sang Campuchia từ 4 - 5 tháng trước. Đến tháng 7/2022, khi không đáp ứng được chỉ tiêu mà công ty đưa ra, bị đánh đập thì mới gọi điện về nhà nhờ người thân gửi tiền qua chuộc.

9739d73a2c96efc8b687.jpg
Lực lượng chức năng làm việc với gia đình có người thân bị tử vong tại Campuchia.

Để tiếp tục đấu tranh ngăn chặn kịp thời tình trạng trên, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) đã tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo một số đơn vị, địa phương phối hợp triển khai các phương án, biện pháp đấu tranh, ngăn chặn tình trạng lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người đi nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng, để làm việc trái phép. Bên cạnh đó, PC02 sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra những đối tượng này.

Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới cách tuyên truyền

Qua làm việc với những người bị lừa sang làm việc trái phép ở Campuchia vừa về nước, các ngành chức năng xác định việc theo dấu và truy bắt các đối tượng này gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Tất cả người bị đưa sang Campuchia vẫn chưa tiếp xúc trực tiếp với những người đã liên hệ với mình. Tất cả đều qua các chân rết. Vì vậy, để hạn chế thấp nhất việc những người trẻ thiếu hiểu biết trở thành “miếng mồi” cho bọn xấu, thì biện pháp mang lại hiệu quả nhất hiện nay là tuyên truyền để người dân biết về những phương thức thủ đoạn mới mà các đối tượng này đang sử dụng.

292222923_178642574509764_9171675495935615508_n.jpg
Các poster tuyên truyền về cạm bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia đang mang lại hiệu quả tuyên truyền rất lớn

Hiện nay, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các địa phương tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm bắt tình hình về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết. Các ngành chức năng của tỉnh đã thiết kế các poster có nội dung tuyên truyền, thống kê các thủ đoạn và số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để người dân biết, phòng tránh. Một số trung tâm văn hóa huyện đã tổng hợp các thông tin từ báo Bình Thuận và các trang báo khác trong cả nước để xây dựng những chuyên mục, bản tin cảnh báo phát trên hệ thống loa truyền thanh tại địa phương. Đài Truyền thanh TP. Phan Thiết đã biên soạn và phát mục Câu chuyện truyền thanh để chuyển hóa nội dung trên cho người dân biết.

Cùng với sự nỗ lực của các địa phương thì Bộ Ngoại giao, Bộ Công an cũng đang triển khai những biện pháp bảo vệ công dân Việt Nam. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ ngoại giao vào ngày 7/7, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết vừa qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương trong nước, đặc biệt là địa phương giáp biên giới với Campuchia, các cơ quan chức năng của Campuchia, để thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, cùng với đường dây nóng của Cục Lãnh sự để tiếp nhận thông tin của nạn nhân… Với sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong nước và Campuchia, đến nay, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã bảo hộ, đưa về nước khoảng hơn 400 trường hợp, đồng thời, hướng dẫn, can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng hơn 1.500 trường hợp công dân gặp khó khăn trong xuất nhập cảnh, đi lại, gia hạn cư trú, vi phạm pháp luật sở tại.

Mặc dù tình trạng dụ dỗ người Bình Thuận sang Campuchia lao động trái phép đã tạm lắng, nhưng theo đánh giá của các ngành chức năng thì trước những món lợi nhuận phi pháp mà việc này mang lại, các đối tượng xấu sẽ tiếp tục hoạt động với những phương thức và thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Vì vậy bên cạnh các hoạt động mà ngành chức năng triển khai thì người dân, nhất là những gia đình có các thanh, thiếu niên đang độ tuổi trưởng thành cần quan tâm hơn đến con em mình, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao. Kỳ 1
Mấy tuần nay, trên mạng xã hội nhan nhản những lời chào mời sang Campuchia làm việc văn phòng với mức lương vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng khi sang đến nước bạn, người lao động mới vỡ mộng làm giàu, người thì bị đánh “thừa sống thiếu chết” ôm đống nợ, người bị bán sang công ty khác như một món hàng. Tất cả sẽ được thể hiện trong loạt phóng sự “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liên quan loạt bài “Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao: Tình hình cơ bản đã ổn định