Theo dõi trên

Lo ngại hành vi lừa đảo trên môi trường mạng

18/10/2023, 05:22

Thời gian qua không ít người dân đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội… khiến nhiều người lo ngại, mong các ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi này.

img_6906.jpg
Không ít cử tri lo ngại hành vi lừa đảo trên môi trường mạng.

Những lo ngại

“Trong quá trình trò chuyện đặt mua rượu, bia tôi cứ nghĩ họ là người làm việc trong bộ máy nhà nước, lực lượng vũ trang như: công an, quân đội… đàng hoàng, không có chuyện đi lừa tiền của dân. Khi bị lừa mất tiền tôi mới biết các đối tượng giả danh…Cơ quan chức năng phải có biện pháp gì để ngăn chặn, chứ cứ tình trạng này nhiều người sẽ mất tiền”, bà M.N (ngụ Phan Thiết), người vừa bị mất gần 20 triệu đồng trong vụ giả danh người của Ban Chỉ huy Quân sự TP. Phan Thiết giãi bày.

Với N.K.L - một chủ tiệm tạp hóa ở phường Hàm Tiến từng bị kẻ xấu lừa mất hơn 5 triệu đồng tiền đặt cọc mua bia qua mạng về bán cũng bức xúc: "Tôi mong ngành chức năng trừng phạt thích đáng những kẻ có sức khỏe, nhưng lười lao động, trục lợi trên mồ hôi của người khác".

z4679514294206_e6cc609d824976fc0c8778b04fe58065.jpg
Một chiêu trò của các đối tượng lừa đảo qua mạng 

Ngoài chị N và L còn nhiều người khác cũng bị kẻ xấu chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội trong thời gian qua. Tuy vậy có người khi phát hiện mình bị lừa đã báo công an, nhưng cũng có người không dám thổ lộ với ai vì biết mình dại dột và sợ người thân biết thì vấn đề trở nên phiền phức hoặc suy nghĩ có trình báo thì cũng không giải quyết được gì... Chính điều đó góp phần cho tội phạm lợi dụng, tiếp tục lừa đảo, gây bức xúc trong nhân dân. Không ít người phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri, với mong muốn đại biểu Quốc hội chuyển tải đến các bộ, ngành có liên quan tăng cường biện pháp ngăn chặn. “Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, lừa đảo, đe dọa, hoặc tống tiền với mục đích trục lợi cá nhân”, cử tri phường Phú Tài kiến nghị với đại biểu Quốc hội.

Nỗ lực ngăn chặn

Trên thực tế, việc ngăn chặn hành vi phạm pháp trên môi trường mạng, không phải ngành chức năng không thực hiện mà đã nỗ lực rất nhiều. Bằng chứng, thời gian qua cùng với việc công an xử lý nhiều đối tượng lừa đảo, báo chí cũng đã phát hiện phản ánh, tuyên truyền nhiều đến người dân cảnh giác. Ngành thông tin truyền thông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng,       đặc biệt là các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube... xử lý nghiêm minh, kịp thời bao gồm cả các hành vi sai trái, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân gây tác động xấu tới dư luận và các thông tin độc hại, bạo lực, mang tính kích động, cổ xúy lối sống không phù hợp.

z4723892129881_64f003615d169f472e3a6176b7e3d44b.jpg
Một trong những người dân đã bị mất tiền vì đối tượng xấu lừa đảo qua mạng.

Trả lời cử tri phường Phú Tài trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến thông tin: Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) đã trình Chính phủ ban hành các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong đó, bổ sung quy định xử phạt từ 70 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhắc nhở người dân, để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần đề cao cảnh giác: Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại... thì phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh. Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn, Email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ người lạ nào gọi đến. Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ ngân hàng, không bán, cho mượn, cho thuê tài khoản ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết...

Ngoài ra, để tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến, hãy tìm hiểu cách nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo được các cơ quan chức năng cảnh báo...

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuyên truyền phòng chống lừa đảo tại các quầy giao dịch ngân hàng
Trước tình hình và diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay, ngày 28/9/2023, Chi đoàn Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp chi đoàn ngân hàng Vietinbank Bình Thuận tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, phòng chống lừa đảo trực tuyến trực tiếp tại các quầy giao dịch và các khách hàng đến giao dịch.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại hành vi lừa đảo trên môi trường mạng