Theo dõi trên

Loạt bài nhiều kỳ: Họa sĩ Quang Lộc, 50 năm sưu tầm cổ vật

18/11/2016, 09:05

Kỳ 1:  Đi theo cách mạng mùa thu

BT- Ở Bình Thuận, họa sĩ Quang Lộc (hay còn gọi Lục Tấn Hưng) được khá nhiều người biết, song thật ra ông còn là một nhà báo, nhà sưu tầm cổ vật đúng nghĩa.

                
Ông Lục Tấn Hưng đang giải thích cho tác    giả về một hòn đá quý

Trí thức trẻ

Một ngày đầu xuân năm 1928 (Mậu Thìn), Chánh Tổng Lục Xa (phụ trách 4 xã) đang làm việc ở huyện đường thì hay tin vợ mình trở dạ. Ông vội thu xếp công việc trở về làng Xuân Hội (nay thuộc thị trấn Chợ Lầu) nơi vợ ông đang ở để  đón con trẻ ra đời. 9 giờ sáng, cậu con trai thứ chín của Chánh Tổng đoàn cất tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời. Và ông đặt tên cho cậu bé là Lục Tấn Hưng (Quang Lộc) với mong ước mọi thứ đều tốt đẹp với con. Cũng như bao đứa trẻ khác ở làng Xuân Hội, Tấn Hưng theo học trường huyện. Nhờ chăm chỉ học hành và có trí nhớ tốt, Tấn Hưng là một trong những học sinh giỏi nhất nhì làng Xuân Hội thời đó. Đặc biệt, cậu bé Tấn Hưng rất thích vẽ, ham tìm hiểu các hoa văn trên các đồ vật của đồng bào Chăm sống gần đó. Lớn hơn chút nữa thì niềm đam mê hội họa gần như gắn chặt với Tấn Hưng.

Mùa thu năm 1945, Tấn Hưng tốt nghiệp chuyên ngành hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Cơ hội  cho Tấn Hưng ở lại thành phố. Nhưng Tấn Hưng quyết định về quê làm việc. Tham gia Đội Thanh-Thiếu niên Tiền phong xã do ông Phạm Hoài Chương làm Đội trưởng, còn Tấn Hưng làm Đội phó.

Thân sinh của Tấn Hưng, thời ấy tuy làm chánh tổng nhưng lại là người có cảm tình với Việt Minh. Có lần ông dặn các con: “Quốc gia hưng suy, thất phu hữu trách”,  nước nhà có giặc,  trai hay gái cũng không được trốn tránh trách nhiệm, phải tham gia cách mạng…”.  Các con ông sau này hầu hết tham gia kháng chiến là thế. Chính thân sinh ông là người trực tiếp chắp mối liên lạc để  đưa 4 con trai lên căn cứ địa cách mạng. Một buổi sáng mùa xuân năm 1946 (tháng 2/1946), Tấn Hưng cùng 3 anh, em trai của mình, theo đường làng Xuân Hội mà đi tìm đến khu vực Thái An, một trong những căn cứ địa cách mạng của Bình Thuận hồi đó (nay là khu Lê Hồng Phong). Đến nơi, mấy anh em được tổ chức tiếp nhận. Tấn Hưng được giao nhiệm vụ nhân viên văn phòng. Ngày 2/11/1947, Tấn Hưng vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đó, ông được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Thư ký Hội Liên hiệp Thanh niên đầu tiên của Bình Thuận (1963), biên tập viên, rồi phụ trách Báo Bình Thuận thuộc Ty Văn hóa - Thông tin (1965), Trưởng Tiểu ban phụ trách văn hóa, văn nghệ, báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (1965), Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Triển lãm tỉnh (1982)… Với sự cố gắng, cộng với năng lực của mình, Quang Lộc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

70 năm đã đi qua, họa sĩ Quang Lộc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao, góp phần không nhỏ vào thành công của cách mạng Việt Nam. Ghi nhận công lao đóng góp của họa sĩ Quang Lộc, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, văn học, nghệ thuật…, cho ông. Và mới đây họa sĩ Quang Lộc được tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. 

Đam mê sưu tập đá quý và các vật thể quý hiếm

Mặc dù là một họa sĩ, nhưng trong tâm hồn của họa sĩ Quang Lộc “máu” sưu tầm đá quý, cổ vật luôn luôn chảy. Ông quan niệm đó là những vật thể kỳ bí, độc đáo mà tạo hóa ban tặng cho con người. Ông nhớ lại: Năm 1963, khi trên đường đi công tác ông phát hiện một viên Thạch anh nằm giữa dòng suối khô, óng ánh trăm màu, ngàn sắc dưới ánh nắng. Sau này viên Thạch anh này được đánh giá là quý hiếm và có giá trị. Ấn tượng và sự đam mê của ông bắt đầu từ đó, nhưng do chiến tranh khốc liệt thời đó, hơn nữa công việc bề bộn của những năm đầu giải phóng, ông đành xếp lại đam mê của mình. Đến năm 1993, khi ông được nghỉ hưu mới dành hầu hết thời gian cho khai thác, sưu tầm  đá quý, cổ vật quý hiếm…

Họa sĩ Quang Lộc bảo, để phát hiện và xác định chuẩn xác đá quý, ngọc quý… không hề dễ dàng chút nào. Người sưu tìm đá quý ngoài đam mê, có nguồn tài chính…, là chưa đủ, mà phải trình độ nghiên cứu, tham khảo rộng rãi, có kinh nghiệm thực tế và hiểu biết cơ bản một số vấn đề về địa chất, khoáng vật và thạch học… mới khám phá được những gì đang ẩn chứa trong những khối đá xù xì, mộc mạc. “Đá quý có 3 tiêu chí để đánh giá: Độ cứng, màu sắc và quý hiếm tạo nên nó. Trong đó, kim cương đứng hàng đầu có độ cứng 10 độ theo thang Mohs; Hồng ngọc, Lam ngọc có độ cứng 9, và Lục ngọc có độ cứng 8. Tìm được đá quý rồi nhưng phải qua nhiều công đoạn khác nữa, như: nghệ thuật mài giũa, chế tác…,  mới trở thành một viên ngọc, đá quý hoàn chỉnh, có giá trị cao”.

Ở nước ta, đặc biệt ở Bình Thuận có khá nhiều loại đá quý như: Lam ngọc (Sapphire), Mã não (agat), Thạch anh (Quartz), gỗ hóa thạch (fossil wood). Đa dạng phong phú hơn nhiều là vùng Tây nguyên, Lâm Đồng. Cách đây khoảng 20 năm, một số vùng ở tỉnh Yên Bái, Nghệ An đã phát hiện Hồng ngọc (Ruby), có những viên rất quý hiếm có thể vượt qua Hồng ngọc của Myanmar vốn là một nước nổi tiếng trên thế giới về đá quý.

Quang Phát

Kỳ tới: Duyên với đá quý và bộ sưu tập 300 loại đá quý hiếm



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt bài nhiều kỳ: Họa sĩ Quang Lộc, 50 năm sưu tầm cổ vật