Theo dõi trên

Lời ru trong ca khúc

11/03/2022, 06:29

Từ biết bao đời, trong những gia đình Việt, đã xuất hiện những lời ru. Đó là những lời mẹ ru con, bà ru cháu và cả chị ru em. Lời ru cất lên mộc mạc, chân chất từ cuộc sống lao động chăm chỉ, cần mẫn, sáng tạo, chịu thương chịu khó của những người phụ nữ. Rồi từ cuộc sống, lời ru đi vào những ca khúc, nhẹ nhàng, đầy yêu thương.

Những lời ru của mẹ ngày nào, đã hiện diện trong những khúc tình ca, để khi lớn lên, khi xa quê, những người con nhớ về mẹ, nhớ những lời ru, nhiều khi không cầm được nước mắt.

loi-ru.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ca khúc “Lời ru”, thơ Hoàng Hạnh, nhạc Lê Minh, là một trong những nhạc phẩm hay viết về lời ru. Bao điều được hai nhà thơ, nhạc sĩ gởi gắm qua “Lời ru”. Mẹ ru con bằng cả tiếng lòng thương yêu, có cả cánh cò trong ca dao xưa, có cả niềm mong ngóng được về thăm quê mẹ mà không có đò, có cả những ngày cha đi bộ đội, mẹ kiên nhẫn đợi chờ ngày cha trở về: “Mẹ ru con cả tiếng lòng thương yêu/ Lời ru bay bổng cánh diều/ Thân cò lặn lội mấy chiều sang sông/ Lời ru ai đó ngóng trông/ Muốn về quê mẹ mà không có đò/ Lời ru biết mấy đợi chờ/ Bố đi bộ đội từng giờ mẹ mong…” Từng giai điệu êm ả của bài hát đã đưa người nghe trải dài theo cảm xúc của lời thơ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác ca khúc “Mẹ yêu con”. Đây cũng là một ca khúc rất nổi tiếng viết về lời ru của mẹ. Và ở “Mẹ yêu con”, lời ca, qua tấm lòng của người mẹ, mong ước đứa con- niềm tin yêu lớn lao nhất của cuộc đời mình - lớn lên cùng đất nước, đi theo con đường mới: “A á ru hời ơ hời ru/ Mẹ thương con có hay chăng/ Thương từ khi thai nghén trong lòng/…/Kháng chiến đã giành đất nước về cho đời/ Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi/…/ Bước càng nhanh mừng con biết đi rồi/ Đi trên con đường mới/ Mẹ ngắm con cười/ A á ru hời ơi hời ru”…

Nhạc sĩ Trần Hoàn lại nhớ về lời ru của mẹ ở một bối cảnh khác. “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” là một ca khúc đậm tình quê hương. Điệu ví dặm để lại bao tình thương, nỗi nhớ đối với những người con khi xa cách quê nhà: “Ngày xưa mẹ ru em bằng câu hò xứ sở/ Điệu ví dặm quê mình răng mà thương mà nhớ/ Anh qua bao miền quê, câu hò theo chân bước/ Chiều nay nghe em hát . Ớ hơ… Ớ hờ… mà bồi hồi con tim”.

Ca khúc “Lòng mẹ” của nhạc sĩ Y Vân cũng là một ca khúc để lại nhiều dư âm trong lòng những người con thương mẹ. Lời của ca khúc rất đẹp, đã có nhiều đoạn diễn tả về lời ru của mẹ, có: “Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu/ Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ/ Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng triền miên/ Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre”, và có cả tiếng “Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng mẹ ru”.

Những cung bậc gây cao trào tạo ấn tượng nơi người nghe đã mở đầu cho nhạc phẩm “Mẹ”, lời thơ Hồng Thanh Quang - Phú Quang, nhạc Phú Quang. Bài hát là sự hòa quyện giữa những lời ca giàu cảm xúc với những giai điệu, khi vút cao, bừng lên, lúc lắng sâu, len nhẹ vào lòng người, diễn tả những nỗi lòng của những người con đối với mẹ của mình. Đó là: “Còn mãi với con lời ru ngày xưa ấy/ Còn mãi với con vòng tay mẹ âu yếm/… Bây giờ mỏi cánh phiêu du/ Con tìm về chốn cũ/ Bây giờ mẹ đã khuất xa/ Chỉ còn gặp trong giấc mơ/ Để từng chiều lại nghe/ Lòng cồn cào thương nhớ…”. Bài hát đã chạm vào trái tim của nhiều người, khi những ca sĩ thể hiện với độ chân thành, xúc động thật sự.

Tình khúc viết về mẹ, không thể không nhắc đến “Trở về”, thơ Lê Tự Minh, nhạc Tuấn Phương. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng đã chọn Trở về cho phần biểu diễn của mình, ở những sân khấu lớn, ở những chương trình nghệ thuật có chủ đề về quê hương. Lời ca trong bài có đoạn: “Ta về đây khu vườn rộn tiếng ve/ Có cánh diều mang tuổi thơ khát vọng/ Có cánh cò bên nôi mẹ hát/ Có hàng tre ru chiều gió thênh thang”…

Một nhạc phẩm rất nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng đã có nhắc đến lời ru: “Việt Nam quê hương tôi”. Lời ru ấy, dỗ giấc ngủ trẻ thơ, trên nền của cánh đồng xanh lúa, mía ngọt, chè xanh, biển cả rập rờn: “Mùa xuân đã tới quê hương chúng tôi/ Mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi/ Đồng xanh lúa rập rờn biển cả/ Tiếng ai ru con ngủ ru hời”…

Lời ru của mẹ còn là những lời nhắc nhở người con, đừng buồn khi gặp những điều không thuận lợi, chưa thành công trong cuộc đời. “Đèn khuya”, một sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương, đã có những lời ru của mẹ: “Khi bước chân đi lần trong cuộc đời/ Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi/ Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời/ Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay”. Nhớ về mẹ, bao người con đã nhớ về những nỗi vất vả nhọc nhằn mẹ đã trải qua, lo cho các con sớm tối. Nhạc sĩ Ngọc Sơn cũng đã nhớ về mẹ, với những lời ru ngày mình còn thơ dại, mà nay khi về lại, tìm mẹ, hình bóng mẹ giờ đã ở nơi nào! Ca khúc “Tình mẹ” có đoạn: “À ơi, tiếng võng đong đưa chiều mưa/ Mẹ ru con ngủ… Ngọt ngào tiếng ru ầu ơ/ Như vẫn còn đây trong lòng con/ Giờ này mẹ ơi, biết tìm mẹ ở đâu?”.

Cùng với biết bao ca khúc khác viết về mẹ, về những lời ru, cả của những nhạc sĩ ở Trung ương lẫn của những nhạc sĩ ở Bình Thuận chúng ta.

Các ca khúc về mẹ luôn để lại những tình cảm dạt dào trong lòng khán thính giả, nhất là khi những nhạc sĩ đã để trọn những tình cảm, sự chân chất, mộc mạc về mẹ trong những sáng tác của mình. Và như là một sự khó tách rời, lời ru trong những ca khúc ấy luôn đọng lại những dư vị ngọt ngào, đầm ấm, thiết tha trong lòng người nghe.

Lời ru trong những ca khúc viết về mẹ mang đậm những tình cảm, những suy tư, những trăn trở về cuộc đời, gắn với xứ sở, quê hương, có lẽ sẽ còn đọng mãi trong lòng những người con Việt Nam yêu mẹ, yêu quê hương của mình, trải thật dài theo năm tháng.

BÌNH AN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên trên không gian mạng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 5/3/2022 phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lời ru trong ca khúc