Theo dõi trên

Nhớ về những năm tháng cộng tác với báo

11/03/2022, 06:06

Đối với Báo Bình Thuận, trước hết tôi là một độc giả đang ở Phan Rang, cách Phan Thiết tới 150 km, lại khác tỉnh, nhưng vẫn còn giữ các số Báo Thuận Hải những năm 1981 – 1991 và vài số Báo Bình Thuận sau khi tách tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận năm 1992, trong đó có tờ Báo Bình Thuận số 1 ra ngày 1/4/1992, ngày có hiệu lực hành chính đầu tiên của 2 tỉnh mới tái lập.

Vào công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Thuận Hải ở Phan Thiết đầu thập niên 80 thế kỷ XX, 10 năm sau tách tỉnh (1992), ra Phan Rang công tác, trong tôi, đất và người những nơi tôi đã đến mãi là hình ảnh đẹp trong cuộc đời của mình.

bao-1-.jpg
Các tờ Báo Thuận Hải những năm 80, 90 thế kỷ XX được lưu giữ kỹ lưỡng.

Mới đó mà đã 30 năm xa Phan Thiết. Nhớ lại những năm tháng đang lứa tuổi 20 tràn đầy sức sống, tôi làm việc, đi cơ sở, hòa cùng phong trào nhiều nơi, khi Mê Pu (Đức Linh), qua Tánh Linh, quay về Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc... Phan Thiết đi Thạch Long ở Mũi Né bằng xe đạp dắt qua những đoạn đường cát tràn đá Ông Địa ở Hàm Tiến, nhiều nhất vẫn Bắc Bình, Tuy Phong với các địa danh Khu Lê đi dễ khó về, Lương Sơn, Hồng Thái, vào làng Tịnh Mỹ tận mắt chứng kiến Quận chúa dân tộc Chăm, bà Nguyễn Thị Thềm ngồi cúng tổ tiên Hoàng gia Chămpa nhân ngày Katê, qua Xuân Quang, Chợ Lầu, Phan Hiệp, Sông Mao... Từng ấy thời gian thân quen và cùng làm việc với biết bao nhiêu người nơi tôi đã đến, vẫn nhớ nhau, tình cảm dành cho nhau.

Cũng do cơ quan Sở Văn hóa Thông tin giao công việc nghiên cứu về văn hóa các dân tộc miền núi, miền biển, lịch sử làng, xã, văn nghệ quần chúng, rồi tổ quy hoạch ngành... gọi là cán bộ “đụng”, đi nhiều, ghi chép lại nhiều con người và sự việc tốt ở khắp nơi, tham dự nhiều sự kiện cơ sở, nên tôi có “nguyên liệu” viết cộng tác với Báo Thuận Hải, ban đầu viết tin, người tốt việc tốt, sau viết dạng chuyên đề chuyên sâu, bình luận văn hóa, văn học nghệ thuật, dân tộc thiểu số, phong vị dân gian... nay vẫn còn lưu giữ một số tờ báo có in bài của mình. Từ đó đến trước khi ra Ninh Thuận, hơn 10 năm tôi viết rất nhiều bài cộng tác Báo Thuận Hải.

Cũng từ cộng tác viên, tôi quen nhiều người ở Báo Thuận Hải: cụ Tổng Biên tập Lương Sơn, anh em phóng viên Thái Quang Trung, Bảo Kim, Mai Ty, Nguyễn Trường Tam (sau này gặp lại ở tỉnh mới tái lập Ninh Thuận), Trần Mỹ, Lê Thanh, Duy Chiến, Hà Thanh Tú, Trần Hoài Ngọc... Sau hơn 30 xa cách, chắc rằng người còn người mất trong số thân quen đó, âu đó cũng là quy luật: sinh - lão...

Lực lượng cộng tác viên của Báo Thuận Hải đông đúc, có cấp thẻ cộng tác viên, đi đâu có thẻ này được ưu tiên, ai được cấp thì oách lắm, hàng năm báo tổ chức hội nghị cộng tác viên... Tuy nhiên để có tin bài cộng tác là phải đi, phải viết. Cộng tác viên ít có máy chụp hình nên hiếm khi có hình kèm tin bài. Viết thì bằng bút mực nắn nót một mặt trên giấy (tòa soạn quy định), xong bỏ vào phong bì, chạy xe đạp đến tòa soạn nộp...

Về mối quan hệ, Ban Biên tập Báo Thuận Hải có mối quan hệ trân trọng, gắn bó cộng tác viên, ai ở xa từ các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Ninh Sơn, Ninh Hải... về Phan Thiết ở lại, đêm đó được anh em phóng viên tiếp đón “over night”; ngược lại, cộng tác viên tình cảm với báo, đó là cơ sở bền chặt trong cộng tác viết bài, đưa tin... Thời bao cấp đó, cách làm việc, sinh hoạt khác bây giờ nhưng có những chuyện, những việc hết mình với nhau một cách chân thành. Tôi học dò morat (sửa lỗi chính tả), trình bày in ấn sách báo từ sự tận tâm chỉ bày của bạn bè trong thời gian này.

bao-2-.jpg
Báo Bình Thuận số 1 ngày 1/4/1992, số 2 ngày 4/4/1992.

Khi ra Ninh Thuận 1992, tôi có trở lại Bình Thuận làm công trình nghiên cứu ngư dân biển một thời gian nên có cộng tác thêm một số bài về ngư dân Bình Thuận. Đến nay, Báo Thuận Hải, rồi Báo Bình Thuận luôn vẫn là nơi đầy ắp kỷ niệm một thời mình đã cộng tác.

Ngày nay tôi chỉ đọc qua trang Báo Bình Thuận online, riêng báo Xuân Bình Thuận in giấy được đọc trong Hội Báo Xuân hàng năm tổ chức ở Phan Rang. Vì thấy đội ngũ phóng viên, biên tập viên có tên lạ, nghĩa là lực lượng kế tục đông đảo, có trình độ, nên chắc chắn rằng Báo Bình Thuận đã phát triển mạnh, về nội dung vẫn thấy rằng tờ báo vừa giữ phong vị xứ Bình Thuận trong nét xưa, vừa phản ánh trong đổi mới vượt bậc, nhất là kinh tế, du lịch toàn tỉnh, phong cách viết hấp dẫn...

Hôm nay lấy smartphone trong túi áo ra bấm phím viết bài báo để nhớ về những kỷ niệm cộng tác viết báo bằng bút nắn nót trên giấy kẻ ngang cách đây hơn 30, 40 năm trước. Cũng là mừng Báo Bình Thuận 30 tròn tuổi.

ĐÌNH HY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phụ nữ La Gi hưởng ứng tuần lễ áo dài
Hưởng ứng chuỗi sự kiện “Áo dài – Di sản Văn hóa Việt Nam” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, từ ngày 1 - 8/3, nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thị xã La Gi đã đồng loạt mặc áo dài đi làm. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần lan tỏa vẻ đẹp áo dài của nữ cán bộ, công chức, viên chức… nơi công tác.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ về những năm tháng cộng tác với báo