Theo dõi trên

Luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước

28/02/2024, 10:04

BTO- Ngày 28/2, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 diễn ra tại Sea Links Phan Thiết, thành phố Phan Thiết. Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước với khoảng 500 đại biểu.

Quy hoạch tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có 17 đô thị. Ngoài thành phố Phan Thiết là đô thị loại II, đến năm 2025 thị xã La Gi sẽ là thành phố loại III, các thị trấn Phan Rí Cửa, Liên Hương (huyện Tuy Phong) và Võ Xu (huyện Đức Linh) sẽ thành đô thị loại IV. Ngoài ra, còn 11 huyện, thị trấn (Vĩnh Tân, Chợ Lầu, Lương Sơn, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Tân Minh, Sơn Mỹ, Lạc Tánh, Đức Tài và huyện đảo Phú Quý) sẽ là đô thị loại V.

202208150301152.jpeg
NovaWorld Phan Thiet là điểm sáng tại Bình Thuận được giới đầu tư quan tâm. Ảnh tư liệu.

Đặc biệt là thành phố Phan Thiết sẽ được mở rộng đến thị trấn Phú Long, một phần xã Hàm Liêm, Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc và xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam.

Nhìn lại trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến với Bình Thuận, trong giai đoạn này tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 82 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký 50.734,56 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án lớn như: Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 1.717 tỷ đồng và dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,34 tỷ USD. Đặc biệt trong năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Thuận đạt hơn 109 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 8,1%, đứng thứ 4 trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và xếp thứ 14 cả nước, GRDP bình quân đầu người đạt 86,66 triệu đồng/người. Trong năm 2023, tỉnh đã cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 35 dự án, với tổng vốn đăng ký 35.562,4 tỷ đồng.

Trong thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg ngày 27/12/2023. Quy hoạch tỉnh được duyệt là cơ sở, tiền đề, động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế, là một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo, các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài đến Bình Thuận làm việc. Huy động, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển thông qua xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, có khả năng kết nối liên vùng, liên tỉnh về hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gồm:Công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành; Dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển, dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, dịch vụ logistics; Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến…

Để tập trung thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực trên, tỉnh sẽ huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh Bình Thuận cam kết luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền Bình Thuận cam kết luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời và hiệu quả những khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo dựng hệ sinh thái phát triển tốt nhất. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, phát triển hiệu quả và bền vững trong tương lai.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cào…
Mặc dù vắc xin phòng bệnh dại cho người và động vật đều có, mang lại hiệu quả phòng bệnh, nhưng số ca tử vong nghi do bệnh này vẫn xảy ra hàng năm.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước