Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Ngày nay, chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long và “Phan Thiết” cho nước mắm đã khẳng định thương hiệu trên thị trường, được nhiều khách hàng biết đến. Chỉ dẫn địa lý trên đã góp phần hỗ trợ cho nhiều cơ sở, doanh nghiệp các địa phương của tỉnh thuận lợi hơn trong sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh sản phẩm khẳng định thương hiệu, một số sản phẩm của các tổ chức ở các địa phương đã và đang khẳng định giá trị sản phẩm cũng được Sở Khoa học & Công nghệ hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu tập thể, cơ sở phát triển chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, thời gian qua, sở chức năng này tham mưu UBND tỉnh cho phép đăng ký bảo hộ 11 nhãn hiệu tập thể (NHTT) tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, TX. La Gi, Hàm Thuận Nam, TP. Phan Thiết. Điển hình, huyện Đức Linh có HTX Thương mại - Dịch vụ Thành Thành Công bảo hộ NHTT “SẦU RIÊNG ĐA KAI – ĐỨC LINH, hình”; HTX Dịch vụ tổng hợp Sen Núi bảo hộ nhãn hiệu tập thể “SEN NÚI CO.OP – ĐỨC LINH, sự thuần khiết từ đất mẹ”. Cùng đó, Tổ hợp tác sầu riêng Đức Phú bảo hộ NHTT “SẦU RIÊNG ĐỨC PHÚ - TÁNH LINH” ở huyện Tánh Linh. Huyện Hàm Thuận Bắc có HTX Thanh long sạch Hòa Lệ bảo hộ NHTT “HỢP TÁC XÃ THANH LONG SẠCH HÒA LỆ - MA LÂM - HÀM THUẬN BẮC, HOA LE DRAGON FRUIT COOPERATIVE”; HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát sử dụng địa danh “Hồng Liêm - Hàm Thuận Bắc” bảo hộ NHTT “HIỆP PHÁT - HỒNG LIÊM - HÀM THUẬN BẮC”. Còn ở Tuy Phong có HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú sử dụng địa danh “Phong Phú – Tuy Phong” bảo hộ NHTT “HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú – Tuy Phong”. Thành phố Phan Thiết có HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp bảo hộ NHTT “HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp, hình”; HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Tiến Thành, sử dụng tên địa danh “Hòn Giồ” như là yếu tố cấu thành NHTT “THANH LONG HÒN GIỒ, hình” để đăng ký bảo hộ NHTT theo quy định. Còn HTX Dịch vụ tổng hợp măng tre tứ quý, xã Tân Phước sử dụng tên địa danh “La Gi” như là yếu tố cấu thành nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ NHTT “TRE TỨ QUÝ – LA GI”. Với HTX Thuận Minh Phát bảo hộ NHTT “Thuận Minh Phát - Hàm Thuận Nam”.
Hiện Sở Khoa học & Công nghệ đang triển khai “Xây dựng mô hình quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận”, “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Mực một nắng tại tỉnh Bình Thuận” trong năm 2024, gắn hỗ trợ cơ sở, HTX, doanh nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, có giá trị kinh tế cao của tỉnh.
Phát triển thương hiệu
Trong khuôn khổ liên quan, trước đó tại hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường, thương hiệu chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho trái thanh long, “Phan Thiết” cho nước mắm, sản phẩm lợi thế khác, các chuyên gia đã nhấn mạnh kinh nghiệm khai thác tài sản trí tuệ, phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp, lợi thế địa phương. Sở ngành chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP; hướng dẫn về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, khai thác nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Định hướng và giải pháp hỗ trợ cho địa phương, doanh nghiệp phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị tài sản trí tuệ cho nông sản Bình Thuận. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, đẩy mạnh phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo, chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Bình Thuận đến năm 2030.
Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình chú trọng ghi chép dữ liệu, truyền thông tin sử dụng nhật ký nông trại, đảm bảo chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đồng nhất thông tin sản phẩm. Các cơ sở, nhà vườn tạo và xác thực mã quản lý duy nhất cho từng đơn vị sản xuất: Địa điểm trồng trọt, nhà máy chế biến, tổ chức chịu trách nhiệm về sản phẩm, tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa.