Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã chủ trì phối hợp giám sát 219 nội dung, đạt 100% kế hoạch giao. Trong đó, cấp tỉnh tổ chức 4 nội dung, cấp huyện 28 nội dung, cấp xã 187 nội dung. Các nội dung giám sát tập trung nghiên cứu, xem xét văn bản thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Sau giám sát đã kịp thời kiến nghị Ban Thường vụ cấp ủy, UBND các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát tiếp thu thực hiện trong thời gian đến. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia cùng với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện các cuộc giám sát về triển khai thực thi các Nghị quyết, chính sách của Chính phủ, của tỉnh đến người dân được thụ hưởng… Qua giám sát, đã kịp thời kiến nghị các ngành chức năng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với chính sách thực tiễn của tỉnh…
Bên cạnh đó, chức năng phản biện xã hội của Mặt trận là một biểu hiện sinh động của tư tưởng “quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Là tổ chức duy nhất có điều kiện tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, Mặt trận có lợi thế hơn hẳn so với bất cứ tổ chức nào để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Minh chứng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức được các hoạt động phản biện xã hội với những đề án rất quan trọng đối với tỉnh. Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức phản biện về việc quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã đóng góp rất nhiều ý kiến tích cực giúp cho các cơ quan chức năng, UBND tỉnh có nhiều nội dung để tiếp thu. Từ đó, hoàn chỉnh dự thảo quy hoạch này và trình cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phản biện 2 đề án quan trọng của tỉnh, đó là đề án phát triển thanh long trên địa bàn tỉnh và đề án phát triển ngành y tế đến năm 2030. Theo thống kê, trong năm 2023 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức 48 nội dung phản biện, trong đó cấp tỉnh tổ chức 2 hội nghị phản biện, cấp huyện 14 nội dung, cấp xã 32 nội dung. Sau hội nghị phản biện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có báo cáo kết quả phản biện đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh các dự thảo đề án. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tổ chức góp ý một số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cùng cấp ban hành liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, trong năm 2024 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, chú ý tổ chức giám sát cá nhân người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3/10/2017 và Quy định 124-QĐ/TW, ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tập trung làm tốt việc giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 – 2025) và những vấn đề cấp thiết liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân…