Theo dõi trên

Mắt trông sáu cõi (1)

15/07/2022, 03:20

Một thầy giáo hỏi tôi thập loại chúng sinh là những thành phần nào trong bài Văn tế thập loại chúng sinh (VTTLCS) của Nguyễn Du? Chắc anh chưa đọc tác phẩm nên hỏi. Tôi nói đây là tác phẩm thơ thể song thất lục bát với 184 câu thơ Nôm.

Nguồn gốc cảm hứng

Đối tượng cảm hứng sáng tác trong VTTLCS là các ngạ quỷ - cô hồn khổ đau đề cập trong “lục đạo luân hồi” của quan niệm đạo Phật. Dựa theo tích A Nan thấy một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu đến báo mộng và đe dọa hóa kiếp. A Nan lo sợ đến nhờ đức Phật giúp và được đức Phật dạy cho tôn giả A Nan về “năng lực biến một món ăn thành nhiều món ẩm thực cam lộ, toàn là những món ngon thượng diệu, cung cấp no đủ cho tất cả ngạ quỷ, các vị bà la môn tiên, các loại quỷ thần khác. Mỗi vị nhận được 49 đấu ẩm thực tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà. Thức ăn uống này, số lượng đồng pháp giới, ăn hoài không hết, ai ăn cũng được quả thánh, giải thoát cái thân khổ sở(2)”. Thành phần ngạ quỷ Nguyễn Du tế dựa vào 13 đối tượng trong kinh Du già: 1. Vua chúa vương hầu; 2. Anh hùng tướng soái; 3. Tề thần; 4. Văn nhân tài tử; 5. Tăng ni xuất gia; 6. Đạo sĩ; 7. Buôn bán chết xa; 8. Binh lính chết trận; 9. Mẹ con sản nạn; 10. Man rợ, điếc, mù; 11. Mỹ nhân khuê các; 12. Đói rét chết nạn, 13. Tổng hợp “thập loại cô hồn” trong lục đạo. Song khi viết VTTLCS Nguyễn Du đề cập đến 10 đối tượng, không có tăng ni, đạo sĩ như Du già, có lẽ Nguyễn Du ảnh hưởng quan niệm tư tưởng Phật – Lão, không đặt lời tế cho giới tăng ni, đạo sĩ, bởi giới này có sự tu luyện nên đã được giải thoát chăng.

van-te.jpg

Ông đặt ra vấn đề khi viết VTTLCS, những oan hồn ở cõi âm cũng phải có niềm tin vào điều thiện, phải biết tu thân tích đức mới giải thoát được, không khác con người cõi dương. Mở đầu với cảm xúc “Thương thay thập loại chúng sinh” bởi “Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người/ Hương lửa đã không nơi nương tựa”, để đưa ra lời khấn tế độ: “Muôn nhờ đức Phật từ bi/ Giải oan cứu khổ độ về Tây phương”. Cuối bài văn tế, ông trở về với cách nghi thức của tôn giả A Nan nguyện cầu cho các oan hồn được siêu sinh tịnh độ, thoát khỏi cảnh lầm than đói khát bơ vơ: Phép thiên biến ít thành nhiều/ Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.[…] Nam mô chư Phật, Pháp, Tăng/ Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài”.

Trái tim thương cảm ngàn thu

Gọi là 10 loại cô hồn nhưng là con số phiếm chỉ. Nếu trừ 2 giới Thiền tăng, Đạo sĩ, VTTLCS nói đến 13 kiếp cô hồn của những người khi sống gặp nghịch cảnh éo le, chết xuống trở thành ngạ quỷ. Lòng thương của Nguyễn Du không phân biệt thành phần, bởi từ những người phú quý đến những mảnh đời cơ hàn đói rách, chết rồi cùng hạn như nhau: “Còn chi ai khá ai hèn/ Còn chi mà nói ai hèn ai ngu!”. Trong 13 kiếp ấy, có 6 kiếp người khi sống được hưởng vinh hoa, người có tham vọng lớn lao: “Chí những lăm cất gánh non sông”, kẻ thể hiện uy quyền “cướp ấn nguyên nhung”, giới quan liêu “mũ cao áo rộng”, những thương gia “tính đường trí phú”, người lấy văn chương “rắp cầu chữ quý”, đến giới hoa nương “màn lan trướng huệ”. Sáu giới ấy, bình sinh là thế, đến khi “thế khuất vận cùng”, quân vương cũng “đem mình làm đứa thất phu”, thất bại binh đao cũng thành “Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa”, mỹ nhân “cậy mình cung quế Hằng Nga”, đến khi “thay đổi sơn hà” thì “Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?”, đến “khi nhắm mắt không người nhặt xương”. Kẻ tranh hùng xưng bá trong cảnh “thịt nát máu rơi” cũng thành “Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào”. Thương gia “Sống thời tiền chảy bạc ròng/ Thác không đem được một đồng nào đi”. Nguyễn Du đều cảm thương vô hạn với 6 kiếp con người ấy khi họ “Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim”. Tuy nhiên, so với 7 loại cô hồn còn lại, Nguyễn Du dốc hết lòng yêu thương cho những kiếp người, khi ở dương gian nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo, “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”, “nằm cầu gối đất”, “hành khất ngược xuôi”, “đi về buôn bán”, “vào sông ra bể”, “buôn nguyệt bán hoa”, sung lính chiến trường,… hình ảnh ấy có mặt khắp nơi trong một xã hội thu nhỏ. Đặc biệt với người phụ nữ, nhà thơ dành cả tấm lòng cảm thương chưa thấy nhà văn nào trước đó nặng lòng trần gian đến thế, với những kiếp người “Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa”, để rồi rợn ngợp “Ngẩn ngơ khi trở về già/ Ai chồng con tá biết là cậy ai?”. Câu hỏi khổng lồ về số phận đặt ra: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”. Đặc biệt ngòi bút của Nguyễn Du chuyển đến đối tượng không thấy trong Du già một cách bàng hoàng, thảng thốt, đó là “những kẻ tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra”. Rõ ràng không còn dừng lại ở lời tế mà là tiếng thương đứt ruột xé lòng về số phận kiếp người.

Tôi nói với anh bạn, còn nhiều vấn đề đặt ra trong VTTLCS về tấm lòng thương sáu cõi của nhà thơ vĩ đại Nguyễn Du, không thể nói hết trong bài báo ngắn. Ngày nay, đến rằm tháng 7, nhiều nơi người ta lấy bài văn tế này để cúng cô hồn.

(1): Câu nói của Mộng Liên Đường về Truyện Kiều của Nguyễn Du, người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”; (2): gdptvienquang.vn.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuyển sinh đại học 2022:
Những vấn đề thí sinh cần biết
BTO-Trước những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm mầm non năm 2022, thí sinh và phụ huynh cần lưu ý những nội dung chính để không phạm sai sót hoặc thiệt thòi quyền lợi chính đáng.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mắt trông sáu cõi (1)