Theo dõi trên

May công nghiệp kiểu… vùng quê

06/04/2022, 06:06

Nhiều gia đình đầu tư từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng để làm xưởng may công nghiệp mini. Tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn…

Chuyện may công nghiệp ở quê không lạ, bởi vài năm trước đã có một số hộ làm nhưng sau đó vì nhiều lý do nên chùng xuống. Còn hiện nay nhiều nơi trong tỉnh, nhất là vùng Đức Linh, Tánh Linh nhiều xưởng may mini kiểu hộ gia đình đang “nở rộ”.

may-cong-nghiep-mini.jpg

Gọi là xưởng may mini hộ gia đình cũng chưa đúng lắm vì có hộ đầu tư khoảng 5 máy cho 5 người làm nhưng có hộ đầu tư gần 30 máy với thợ may làm việc từ sáng cho đến 22 giờ đêm. Tuy nhiên, nếu gọi là xưởng may thì không chuẩn bởi bà con làm tự phát không có giấy phép kinh doanh, không giấy xây dựng, nói chung rất nhiều cái còn thiếu về mặt thủ tục hành chính. Bởi đa phần những hộ tổ chức may công nghiệp tự xây dựng xưởng hoặc tổ chức may ở những căn nhà cấp 4 rộng chừng trăm m2, những hộ này phải tự tìm đầu vào, đầu ra hàng hóa và tuyển nhân sự ở tại địa bàn sinh sống để may gia công cho các xí nghiệp hoặc tư nhân đặt hàng…

Anh Nguyễn Văn T. ở xã T của Tánh Linh đầu tư hơn 400 triệu đồng để mở xưởng may công nghiệp mini. Vốn trước đây anh có vườn cao su nhưng thấy vợ đi sớm về hôm làm rẫy khổ cực nên anh bàn với vợ mở xưởng may. Đất mặt bằng có sẵn, anh chỉ làm nền và lợp mái vòm làm thêm vòi phun sương tưới mái để làm mát vào mùa nóng, nặng nhất là khâu đầu tư máy may. Giá máy hiện nay từ 3 - 15 triệu đồng/cái, tùy loại và chất lượng. Do có diện tích mặt bằng rộng nên xưởng anh khá thoáng mát, 20 máy nhưng anh đặt mỗi máy cách nhau hơn 3 m, khác với nhiều nơi công nhân ngồi sát nhau tạo không khí ngột ngạt hoặc dễ lây bệnh truyền nhiễm khi có dịch bệnh. Anh tâm sự: “Do quen biết với một số quản lý xưởng may ở Đồng Nai, Bình Dương nên anh em truyền đạt lại kiến thức ngành may cũng như cung ứng nguyên liệu may và đặt sản phẩm nên xưởng may của anh liên tục có đơn hàng. Nhân công thì ở địa phương rất nhiều, nghề may tương đối dễ nên những người tay ngang chỉ học khoảng 10 ngày là có thể làm được, có người kiến thức tốt và có kỹ năng đôi khi chỉ học 3 ngày là đã thành thạo…

Tôi đến tham quan xưởng may của anh Thanh giữa canh trưa, lúc mấy thợ may đang nghỉ tay ăn trưa. Chợt ngớ người khi nghe 3 thợ may nói chuyện bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Thấy tôi ngạc nhiên anh Thanh giải thích, thợ may ở đây hơn phân nửa là người K’ho, thấy bà con đi làm xa, hoặc không có việc làm nên mình tuyển vào, đào tạo và giao việc. Chị Tâm, người K’ho ở xã M. tâm sự, trước đây mình theo cha mẹ làm rẫy, cực lắm mà thu nhập rất thấp. Khi xưởng may của anh T mở ra, được anh nhận vào đào tạo và mình may ăn sản phẩm nên mỗi tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng…

Ở xã M. có rất nhiều xưởng may như anh T. nhưng quy mô khác nhau, có hộ chỉ đầu tư 7 máy may/7 thợ nhưng có hộ đầu tư 15 máy/15 thợ. Nguồn hàng cung cầu thì hầu hết lấy và xuất ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Tuy các điểm may tự phát nhưng góp phần giải quyết nguồn lao động dư thừa nông thôn rất lớn, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định…

TRẦN THI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tặng 260 phần quà cho hộ nghèo và thiếu nhi La Dạ
BTO- Sáng ngày 5/4/2022, Đội Tình nguyện Sĩ tử Việt Bình Thuận phối hợp với xã Đoàn La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho người nghèo và thiếu nhi địa phương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
May công nghiệp kiểu… vùng quê