Giảm lây bệnh
Tại Bình Thuận, công tác điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được chính thức triển khai từ cuối năm 2013, với 2 cơ sở điều trị ban đầu. Đến nay, Bình Thuận có 5 cơ sở điều trị và 6 điểm cấp phát thuốc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tập trung ở những địa bàn trọng điểm về ma túy. Tích lũy số bệnh nhân được điều trị Methadone tính đến nay là 1.886 người.
Quá trình thực hiện, nhiều kết quả được ghi nhận. Sau khi tham gia điều trị, số bệnh nhân có các xung đột, mâu thuẫn trong gia đình giảm. Các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm người bệnh tham gia điều trị giảm rõ rệt. Tần suất và liều sử dụng Heroin giảm đi đáng kể. Hầu hết bệnh nhân từ bỏ Heroin, chỉ còn dưới 10% số bệnh nhân có sử dụng Heroin 1-2 lần/tháng trong 9 tháng đầu kể từ khi được điều trị.
Thêm vào đó, sức khỏe của đa số người tham gia điều trị được cải thiện. Nhiều người tích cực tìm việc làm, dành thời gian hỗ trợ gia đình tăng thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt là không phát hiện số nhiễm HIV mới trong quá trình điều trị. Bởi bệnh nhân ngừng sử dụng - tiêm chích Heroin sau một thời gian uống Methadone. Một khi người nghiện dừng tiêm chích Heroin, hoặc giảm đáng kể tần suất tiêm chích, thì tỷ lệ thuận với giảm sự lây truyền HIV, các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C, bệnh giang mai; giảm tử vong do sử dụng quá liều Heroin.
Được biết, thời gian đầu năm 2013, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone là hoàn toàn miễn phí. Từ năm 2015, theo Quyết định số 57/2015 của UBND tỉnh, người tham gia điều trị đóng thêm khoản phí dịch vụ, 210.000 - 310.000 đồng/tháng/người, tùy theo giai đoạn điều trị của từng người. Mức phí này tương đối phù hợp, thuận lợi cho người tham gia điều trị.
Còn một số khó khăn
Tuy nhiên, liệu trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone kéo dài ít nhất một năm, một số trường hợp có thể kéo dài hơn, phải uống thuốc hàng ngày vào một thời điểm quy định. Chẳng hạn, những lao động biển đi đánh bắt dài ngày, thì sẽ không có thuốc uống. Điều này gây khó khăn cho việc duy trì điều trị. Một số người nghiện không dám tham gia uống Methadone vì sợ sự phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội. Thậm chí, còn có bệnh nhân dùng cùng một lúc 2 chất gây nghiện gồm thuốc phiện, ma túy đá. Trong khi đó, Methadone chỉ thay thế được thuốc phiện, không điều trị được ma túy đá.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân, người thân bệnh nhân còn nhận thức chưa đúng. Bởi Methadone là thuốc điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện, không phải là thuốc cắt cơn, không phải thuốc điều trị ngắn ngày. Điều trị Methadone có nhiều giai đoạn từ khởi liều, dò liều, điều chỉnh liều, duy trì đến ngừng điều trị. Đây là một phương pháp điều trị lâu dài nhưng có một số bệnh nhân có tâm lý nóng vội, muốn ra khỏi chương trình và ngừng điều trị. Hầu hết họ đều không tránh được những cám dỗ khi gặp lại bạn bè cũ hay bị rủ rê. Đa số những bệnh nhân bỏ trị Methadone nằm ở những nhóm bệnh nhân mới. Nhóm này thường cho rằng khi sử dụng Methadone chỉ cần cắt cơn được là đã cai nghiện thành công. Nhiều trường hợp bệnh nhân uống 3 tuần là bỏ, những trường hợp này nguy cơ tái nghiện là 100%. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, số người bỏ điều trị và chuyển đi là 1.224 người. Số người hiện đang uống thuốc điều trị là 662 người.
Các chuyên gia đánh giá: Điều trị Methadone hiện nay vẫn là biện pháp điều trị lâu dài, giải pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện toàn thế giới và Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng. Để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone mới đạt hiệu quả cao, người bệnh phải tuân thủ quy trình điều trị từ cơ sở y tế. Cùng với đó là sự hỗ trợ, phối hợp từ gia đình, địa phương, các ngành, các cấp.