Theo dõi trên

Miền của gió

29/03/2024, 05:34

Vì Kỳ Lân Hồ - Cù Mi Thượng liên quan đến một quyển sách đang viết về phía Nam tỉnh nên tôi quyết tâm đi xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân đến lần thứ bảy trong năm.

Các vị lão nông, ngư phủ kì cựu lần lượt qua đời mang theo cả một phần lịch sử mà thế hệ trẻ khó chạm đến hoặc ghi nhận. Nhìn một Tân Thắng sầm uất, nhà cửa san sát, đời sống được nâng cao từng ngày như hiện nay ít ai quay về, hình dung nổi một vùng đất Kỳ Lân Hồ - Cù Mi Thượng danh tiếng chạy dọc trên tuyến đường quan báo ngày xưa (Triều Thành Thái) khi còn thuộc tổng Phước Thắng, tỉnh Bình Thuận này. Và cũng không thể hình dung nổi từ 9 gia đình miền Trung ban đầu được linh mục Huỳnh Công Ẩn chiêu tập cùng với một số đồng bào Chăm, Châu Ro đã hình thành nên làng xã hơn 2.000 hộ khẩu đông đúc như ngày nay.

tan-thang.jpg

Ai đặt tên cho quê hương?!

Qua khỏi Sơn Mỹ, một cán bộ làm trong UBND xã Tân Thắng đã hẹn trước dẫn tôi đi dọc dòng sông Kô Kiều, từ cầu Kô Kiều qua khỏi đập và tháp nước, nơi cấp nước sạch cho cả xã, rồi theo đường giao thông nông thôn và những mương dẫn thủy nhập điền mới xây, chúng tôi vòng xuyên ra quốc lộ 55 (liên tỉnh lộ 23 trước đây) thẳng tiến mãi đến dòng sông Chùa, là phần ranh giới với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Quay về ăn trưa và nghỉ ngơi tại bãi biển Cù Mi. Tại đây, tình cờ tôi gặp người chủ quán, anh cho biết mình là cháu chắt thuộc 9 hộ đầu tiên vào đây lập nghiệp. Qua tìm hiểu những người còn sống của 9 dòng họ này và thêm phần tra cứu, trao đổi với những người tin cậy, câu chuyện khai hoang và những tên làng, tên huyện xa xưa đã bắt đầu “hiện ra” rõ hơn!

… Khoảng năm 1885, sau khi hoàn tất địa bạ phần đất trích từ ấp Liên Trì thuộc làng Tam Tân, tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý để lập thôn Tân Lý, hình thành giáo họ La Gi, linh mục Huỳnh Công Ẩn chiêu mộ 9 hộ giáo dân từ Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên vào, cùng vài người dân lân cận đến khai phá vùng đất hoang có tên là Kỳ Lân Hồ - Cù Mi Thượng. (Có giả thiết cho rằng chữ Cù Mi là biến âm qua quá trình Việt hóa từ chữ Bhummi - nghĩa của từ Chăm này có nghĩa là quê hương; Kỳ Lân Hồ là do thế hình phong thủy của vùng đất in đậm trong tư duy, trong ước mơ, khao khát của những người tiên phong đi lập làng ngày xưa chứ không phải do những câu chuyện ly kỳ thêu dệt sau này). Năm 1916, huyện Hàm Tân được thành lập gồm hai tổng Phong Điền và Phước Thắng của huyện Tuy Lý, (tổng Phong Điền có 4 làng: Phong Điền, Hiệp Nghĩa, Tam Tân, Tân Lý; tổng Phước Thắng có 5 làng: Phước Lộc, Hàm Tân, Phò Trì, Hàm Thắng, Thắng Hải). Tên làng Hàm Tân thuộc tổng Phước Thắng được đặt thành tên huyện Hàm Tân là do Trụ sở huyện đặt tại làng, là một phần đất của phường Phước Hội, La Gi hiện nay.

Trao đổi về giai đoạn này, nhà nghiên cứu Phan Chính cho biết thêm: “Sau năm 1910, cấp huyện và phủ ngang nhau. Địa danh Hàm Tân chỉ là một làng trích từ phần đất của Phước Lộc phường (địa danh này xưa nhất, cùng thời với Văn Kê, Tân Hải, Tân Quý, Tân Nguyên (tức Tam Tân - 3 xã gộp lại). Con dấu triện xưa – bằng đồng (khoảng sau 1916) - viền khung ghi (đơn vị hành chính - ghi chữ đầu) : P. Bình Thuận/P là Tỉnh- Province; C. Phước Thắng/ C. là Tổng- Canton; H. Hàm Tân/ H. là Huyện (trong Việt Nam Tân từ điển của Thanh Nghị - Nxb. Minh Hoa trước 1975 không dịch từ “huyện” nhưng từ “Huyện đường” dịch là Bureau du huyen hay “Quan huyện” dịch là Chef d’un huyen… và V. Hàm Tân/ V. Làng- Village. Như vậy làng Hàm Tân về địa lý nằm bên hữu ngạn Sông La Di (Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi là La Di - Sông Dinh”.

Những gì người thời nay biết rõ hơn là giai đoạn từ sau khi thành lập tỉnh Bình Tuy (1956). Tỉnh lúc này gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh và Hoài Đức. (Hàm Tân có 6 xã: Phước Hội, Bình Tân, Bà Giêng, Hiệp Hòa, Tân Hiệp, Văn Mỹ; quận lỵ Hàm Tân đặt tại Tân Hiệp, nay là khu chợ Tân Hải, thuộc thị xã La Gi).

Nói dài dòng như vậy để chứng minh một điều tên làng Hàm Tân đã trở thành tên huyện, tên quận, ngày nay là huyện Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận và cũng là phần nền cơ bản để chúng ta hiểu rõ hơn trong sự liên đới, nguồn gốc xa xưa của Kỳ Lân Hồ - Cù Mi Thượng và cả “miền gió” phía Nam tỉnh.

Một thương binh kỳ cựu của vùng đất Tân Thắng kể cho tôi nghe câu chuyện khác về địa danh, đó là láng Tuyết Mai (Khu Suối Độn và láng Cát Lớn sau trường học Tân Thắng ngày nay). Việc có tên láng Tuyết Mai là một trong nhiều câu chuyện xúc động về những năm tháng chống Mỹ ác liệt và bi hùng.

Lúc bấy giờ, người dân trụ lại xã Hiệp Hòa đều vào rừng thành lập căn cứ. Huyện lúc này, ngoài các ấp, xã, vùng kèm còn có những vùng giải phóng như Văn Mỹ (Tân Thành), Kim Bình (Phú Sung), Hiệp Hòa và Bà Giêng. Những năm sáu mươi địch đánh phá ráo riết, đời sống của cán bộ, công nhân viên cơ quan và bà con vùng giải phóng rơi vào cảnh thiếu đói trầm trọng. Đào củ nần, bột thiên tuế, khoai chụp, măng rừng, rau tàu bay ăn thay cơm nhưng nguồn trong rừng cũng cạn dần, không có muối, phải ăn lạt nên chân tay rã rời, đi không muốn nổi, người sinh phù thủng. Mặt khác, những vùng ta sản xuất như Hiệp Hòa, địch tăng cường rải chất độc hủy diệt môi trường sống. Mọi người phải cày cấy, làm đất, thu hoạch vào ban đêm. Để có miếng ăn, có lúc phải hy sinh bằng chính mạng sống của mình.

Trước tình hình đó, Cơ quan Văn phòng Huyện ủy Hàm Tân thành lập một bộ phận sản xuất tự túc do đồng chí Nguyễn Hòa phụ trách. Bộ phận sản xuất tự túc này lên kế hoạch phát rẫy, làm ruộng, trồng trọt các loại lúa khoai để cung cấp thực phẩm cho toàn cơ quan. Vào khoảng tháng 8/1966, có đợt huy động tập trung để thu hoạch lúa, bắp ở rẫy (Cơ quan Văn phòng Huyện ủy có phát 2 cái rẫy liền kề nhau, diện tích trên 20.000 mét vuông) và xay lúa, giã gạo. Đợt huy động này có gần 20 đồng chí tham gia, phân công làm 2 tổ. Tổ 1 gồm có đồng chí Tuyết, đồng chí Mai và đồng chí Thứ làm nhiệm vụ giữ rẫy (đuổi két, đuổi khỉ phá hoại lúa, bắp), tổ 2 do đồng chí Nguyễn Thanh Hải phụ trách.

Thoạt đầu một chiếc máy bay “đầm già” L.19 quần đảo ở khu vực rẫy sản xuất, ngay sau đó 2 chiếc khu trục cơ bay ào tới, một chiếc phóng rocket, chiếc còn lại bỏ 2 quả bom xăng. Lửa bốc cháy hừng hực. Cô Tuyết (Côi) và cô Mai (Hiệp) đang chăm rẫy đã hy sinh, đồng chí Tuyết bị phóng rocket trúng, thân người đứt ra nhiều mảnh, đồng chí Mai bị bom xăng thiêu cháy co quắp lại. Sau khi mai táng hai người con gái xinh đẹp, đồng chí, đồng đội cảm thương đặt tên láng tang thương này là láng Tuyết Mai.

“Cặm cụi vá lưới nhưng không vá nổi một vết thương lòng”

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một phụ nữ ngồi vá lưới ở bãi biển Cù Mi đã tâm sự với tôi như thế khi nhắc đến những sự hy sinh của người thân trong kháng chiến. Nhưng chị cũng chia sẻ thêm: Vùng đất này nhiều đau thương lắm nhưng phải vượt qua nỗi đau để sống và nỗ lực để sống tốt hơn! Lời bộc bạch tâm sự của chị cũng chính là nỗi niềm và quyết tâm của người dân nơi đây.

Ở Tân Thắng có nhiều gia đình mà tất cả các thành viên trong nhà đều tham gia hoạt động cách mạng như gia đình ông Phạm Tiền, chị Tám Lý, gia đình ông Sáu Kềm, ông Tư Nhiều, gia đình ông Nguyễn Thành Tâm... Nhiều người con của quê hương Tân Thắng, có cả những người theo đạo Thiên Chúa, dân tộc Chăm như các anh, các chị: Lương Văn Thìn, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Xi, Phan Thanh Kim, Phạm Văn Ba, Phạm Văn Năm, Nguyễn Thành Tâm, Lương Văn Nhứt, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Hai, Thông Văn Đức... và nhiều người khác đã giác ngộ tham gia cách mạng, chiến đấu và anh dũng hy sinh trong chống Mỹ cứu nước ngay trên quê hương thân yêu. Nhân dân vùng giải phóng Hiệp Hòa thật sự là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tình cảm của các tập thể đơn vị đóng quân công tác tại khu căn cứ. Tình cảm của bà con nhân dân đối với cách mạng thật nồng nàn, sâu nặng tình nghĩa. Những tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân vùng giải phóng Hiệp Hòa-Tân Thắng là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, đảng viên và bộ đội trên con đường công tác, chiến đấu vì lý tưởng cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương. Đó là những nhân tố mang tính quyết định vào thắng lợi của phong trào cách mạng ở Tân Thắng. Từ năm 1975 đến năm 2020, chặng đường 45 năm ấy đối với công cuộc cải tạo và xây dựng một miền quê có thể nói là đầy khó khăn, thử thách, nhưng để lại cho mọi người trong chúng ta niềm tự hào.

Sau chiến tranh, từ một làng quê sản xuất hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên, canh tác manh mún, lạc hậu, nhà cửa của dân đa phần là tranh tre, vách lá đơn sơ... Ngày nay, Tân Thắng đã đổi mới, đời sống nhân dân đang chuyển từ “phấn đấu ăn no mặc ấm” sang “phấn đấu ăn ngon mặc đẹp”. Từ chỗ sản xuất theo kiểu tự túc tự cấp, cuộc sống thiếu trước hụt sau, đến nay đã tự chủ, phát triển mô hình sản xuất-kinh doanh hàng hóa có giá trị kinh tế cao; nhiều người dân đã tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp. Nhà cửa của nhân dân được xây dựng khang trang, kiên cố. Số hộ có xe máy, xe ô tô, phương tiện nghe, nhìn chiếm trên 98%. Số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng điện thoại cố định và di động chiếm trên 95%. Trẻ em trong độ tuổi đi học lớp 1 đạt 100%. Tân Thắng đã phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh hàng năm đầy đủ.

Đồng chí Nguyễn Thanh Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng cho biết: “Có được thành tựu như ngày hôm nay, trước hết phải nói đến vai trò lãnh đạo       của Chi bộ, Đảng bộ xã Tân Thắng - là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong công cuộc cải tạo và xây dựng quê hương, sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và tinh thần, ý chí vươn lên của nhân dân xã Tân Thắng để làm giàu cho chính mình và xây dựng quê hương, xây dựng xã hội mới. Năm 1975, chỉ có 3 đồng chí đảng viên, nay đã trở thành đảng bộ với 110 đảng viên, gồm 13 chi bộ trực thuộc. Qua các thời kỳ, tập thể chi bộ, đảng bộ và đảng viên kiên định lý tưởng cách mạng và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ khi thực hiện các chủ trương, nghị quyết. Đây là truyền thống tốt đẹp của đảng viên, chi bộ, Đảng bộ Tân Thắng. Chi bộ, Đảng bộ xã Tân Thắng luôn luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy. Thường xuyên tổ chức quán triệt và tuyên truyền rộng rãi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho toàn cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ các đồng chí lãnh đạo đến từng đảng viên đều gắn bó, gần gũi với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu phản ánh, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chi ủy, Đảng ủy Tân Thắng đã triển khai các chủ trương về cải tạo, phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Nhất là nhờ chủ trương đổi mới của Đảng trong phát triển kinh tế đã tạo cho Tân Thắng có bước phát triển trong sản xuất và đời sống. Chi bộ, Đảng bộ Tân Thắng qua các thời kỳ đều chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng nông thôn mới. Trong mọi công tác đều bảo đảm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tân Thắng ngày nay không chỉ có khu dân cư sầm uất, buôn bán náo nhiệt dọc theo quốc lộ 55, từ cầu Kô Kiều đến bờ sông Chùa, mà còn bao trùm một miền bãi biển như vòng eo trinh nữ tạo thành hai cung bờ hư thực, gió biển lồng lộng, mát mẽ, quanh năm ì oạp tiếng sóng nhật triều đều đặn như điệu ru miên viễn về nỗi đa sầu đa cảm mông lung. Miền ấy đã in đậm, ghi dấu vào tâm khảm, ký ức của bao người con quê hương, của bao khách lãng du hay người tha hương cầu thực, xa quê vì miếng cơm manh áo. Miền quê xứ ấy là điểm cuối tỉnh Bình Thuận, là vùng đất cuối của miền gió từ “La Di” đổ vào nên câu chuyện cũng vì thế mà tản mạn suốt một dọc bãi bờ thương thiết!

BÚT KÝ: NGUYỄN HIỆP


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi
Sử tích ghi lại rằng: Linh Quang tự khởi đầu chỉ là ngôi chùa tranh đơn sơ được xây dựng từ năm 1747 để thờ cúng và làm nơi ở cho các vị trụ trì. Song, vào cuối thế kỷ 18 ngôi chùa này không may bị hỏa hoạn thiêu rụi, bao di sản cổ quý giá trong chùa đều bị hư hại, chỉ còn lại những tượng Phật bằng đồng, đất nung.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Miền của gió