Mất giá
Phải thừa nhận, chưa bao giờ người nông dân bị “tổn thương” như năm qua, nhất là những nhà vườn trồng cây ăn trái như thanh long, mít, xoài, chôm chôm... Họ cố gắng đầu tư vào vườn cây để bán có thu nhập sau nhiều tháng bị dịch Covid-19 làm cho cuộc sống lao đao. Nhưng rồi khi đến ngày hái trái lại không bán được bởi Trung Quốc đóng cửa khẩu, phải “bán đổ bán tháo”, thậm chí phải đổ bỏ. Với thanh long, loại cây ăn trái có sản lượng lớn vốn mất giá thường xuyên thấy bình thường, nhưng với nhiều cây ăn trái khác giá thấp thì khá bất ngờ. Điển hình như mít Thái siêu sớm ở các xã vùng cao La Dạ, Đa Mi của Hàm Thuận Bắc, có lúc nhà vườn bán với giá 2.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với những năm trước.
“Vài ngàn đồng 1kg mà chẳng ai mua cho, nên phải cắt bỏ...”, ông Thủ ở thôn 2, xã La Dạ, trồng 1 mẫu mít siêu sớm xen canh sầu riêng chia sẻ. Ông bảo: Lỗ vốn hơn 30 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, dầu chạy máy bơm tưới, chưa tính công chăm sóc. Nhiều hộ khác trồng với diện tích lớn hơn cũng trắng tay. “Những năm gần đây người dân La Dạ, nhất là ở thôn 3 và 4 đầu tư trồng cây ăn trái như mít, sầu riêng nhiều. Đối với mít, hộ trồng ít nhất là vài sào, còn đa phần hàng mẫu”, ông Lê Văn Hướng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết.
Theo Hội Nông dân xã La Dạ: Toàn địa bàn xã có 65 ha cây ăn trái, trong đó có 11,5 ha mít và mãng cầu của chương trình phát triển vùng huyện Hàm Thuận Bắc hỗ trợ. Phần lớn cho thu hoạch 1 – 2 vụ hoặc bắt đầu cho thu hoạch. “Mít siêu sớm, 18 tháng đã có trái. Cuối năm qua cho thu hoạch vụ đầu tiên, nhưng không ai mua do Trung Quốc đóng cửa khẩu”, ông Thủ nói.
Chuyển hướng
Đến nay Trung Quốc đã mở cửa khẩu thông quan, nhưng giá mít cũng chỉ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Theo ông Thủ cũng như người nông dân trồng mít khác ở Đa Mi, La Dạ, ít nhất phải 15.000 đồng/kg mới đủ vốn, với giá hiện nay không bỏ công chăm sóc, chưa kể tiền phân, thuốc. Họ hiện đang như đứng giữa 2 dòng nước, chặt bỏ thì tiếc tiền của chi phí đầu tư ban đầu mà để thì đầu ra không ổn định hoặc mất giá cũng như bán không ai mua.
Nhiều hộ đang bỏ mặc những cây mít trĩu trái không chăm sóc, có những trái to hơn 10 kg nhưng xẻ ra bên trong đầy sâu bọ vì không được bao bọc. Vườn mít của ông Hùng ở thôn 2 là điển hình. Ông bảo: “Chăm sóc làm gì, vì đâu có bán được”. Mít thối hoặc cắt bỏ vứt đầy vườn đang là thực trạng ở những vườn mít siêu sớm của La Dạ. Cũng có những nhà vườn đang có tư tưởng chặt bỏ cây mít tập trung chăm sóc cây sầu riêng vì phần lớn các vườn đều trồng xen canh như mít với sầu riêng, cà phê với mít, cà phê với sầu riêng... Quan niệm của họ, nếu cây này không cho năng suất cao hoặc đầu ra bấp bênh thì tập trung cho cây khác.
Tuy nhiên, nếu cứ thấy mất giá và chặt bỏ, và chạy theo phong trào trồng một loại cây, nông dân sẽ gặp rủi ro. Thực tế cho thấy, trồng cây ăn trái theo đúng quy hoạch sẽ phát huy hiệu quả lớn, mang lại giá trị cao cho người dân. Ngược lại, nếu phát triển quá “nóng” sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, rủi ro về giá. “Năm qua bà con tập trung đầu tư chăm sóc cây mít rất nhiều nhưng cuối cùng thất thu vì dịch Covid-19 và Trung Quốc đóng cửa khẩu. Giá nông sản rớt thê thảm bà con cũng nản, chúng tôi sẽ đi vận động tuyên truyền để bà con cân nhắc. Vì mỗi lần đầu tư phải vay mượn tốn kém...”, ông Hướng cho biết.
Một trong những nhiệm vụ năm 2022 của Hội Nông dân xã La Dạ là tăng cường công tác tuyên truyền trong hội viên, nông dân về chăm sóc các loại cây trồng có lợi thế như điều, sầu riêng, mít...Thực hiện tốt công tác giám sát thu mua nông sản của bà con, tránh tình trạng thương lái thu mua ép giá.