Văn hóa ẩm thực du nhập, giao thoa và lan tỏa rất nhanh giữa các vùng miền. Nhưng người dân mình bây giờ rất ngộ, người trong Nam thích những món ăn ngoài miền Trung hay Bắc, ngược lại các anh chị Hà thành hay các tỉnh phía Bắc lại thích thú với bún bò Huế, bánh xèo Nam bộ…
Bây giờ, nhiều người khá giả vào quán thích tìm lại rau dưa hay ngũ quả kho quẹt, còn những người có thu nhập không cao thì lại chắt chiu để được thưởng thức hải sản cao cấp như tôm hùm, ốc hương, cua huỳnh đế... Phan Thiết giờ chuyện ăn uống cũng cầu kỳ hơn xưa. Có 2 thứ ở đây có thể gọi là “đặc sản” là quán nhậu và cà phê. Lúc nào cũng sẵn, có đủ mặt trên khắp phố phường. Nếu buổi sáng là cà phê, điểm tâm sáng thì trưa, chiều lại nhường chỗ cho các quán nhậu. Có hẳn mấy phố nhậu hẳn hoi, khách đông kín, tiếng nói cười âm vang một góc phố... Phần lớn những quán hải sản Phan Thiết đều có mấy hồ nuôi giữ sống để khách tha hồ chọn, khách yêu cầu con nào thì bắt con đó, đem cân tính ký lấy tiền. Du khách nước ngoài rất thích chọn ăn kiểu này, giá cả được niêm yết rõ ràng, không có chuyện chặt chém làm phiền.
Món ăn truyền thống là một phần của văn hóa, trong quá trình tiến hóa món ăn cũng phôi phai mai một hay sai lạc đi ít nhiều cái tinh tế nguyên thủy từ thuở trước. Phan Thiết có một khu chợ ở phường Phú Thủy mà mọi người ví von là “chợ Liên Hiệp Quốc”, vì hầu như ở đây thứ gì cũng có bán, đủ sức phục vụ cho khẩu vị của 3 miền đất nước, từ thượng vàng đến hạ cám. Tùy theo sở thích của khách mà gia chủ có thể đến chợ Phú Thủy để chọn món về nấu đãi, từ bò, dê, thỏ cho đến tôm, cá đồng, biển hay mớ tép, mớ rô con đem về chiên giòn, làm chả... Rau củ thì tươi non mới hái từ vườn.
Trong bữa cơm gia đình hay tiệc đãi khách, các món ngon muôn đời đều nói lên tấm lòng chân thành của chủ nhà và sự phong phú của sản vật từng vùng miền nơi đó.
Tôi yêu Phan Thiết quê tôi là vậy.
Nguyễn Dũng