Càng cận tết, vé xe càng tăng giá mà lại khan hiếm. Tuy nhiên, một số người chấp nhận đặt cận tết vì lịch nghỉ của công ty thông báo trễ. Có một số ít không dám về quê vì chi phí quá cao trong khi tiền dành dụm lại chẳng được bao nhiêu, đành ngậm ngùi ở lại khu trọ ăn tết. Chỉ riêng tiền vé xe đã bay đứt một tháng lương, trong khi thưởng tết thấp, tiền dành dụm trong năm chẳng có, lương tháng nào xào tháng đó thì phải đành chấp nhận tết xa quê. Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chỉ có người xa quê mới thấm thía được thân phận người mỗi khi hết năm.
Anh L tâm sự: “Đặt vé xe xong là vợ chồng thở phào nhẹ nhõm. Mấy ngày nay mất ăn mất ngủ đi dò giá các hãng xe, rồi tính toán phân chia chi phí các khoản thế nào cho hợp lý. Tính ra tiền xe cho cả gia đình đã hơn chục triệu rồi. Mỗi năm tiền xe mỗi tăng, thật khó khăn cho dân lao động”. Khi tôi đùa sao không gộp hai ba năm hãy về quê một lần, anh thở dài: “Em cứ thử xa quê đi rồi biết, khi bố mẹ già ngày ngày ngóng tới tết để con cái về sum họp mà con lại báo không về thì còn gì buồn hơn. Tuổi ông bà ngày càng cao, biết sống được bao lâu với con cháu, sau này mình có giàu thì chắc gì còn bố mẹ để về thăm”. Giọng anh đượm buồn, càng buồn hơn bởi tiếng thở dài phía cuối câu nói. Câu nói của anh khiến tôi phải suy nghĩ mãi. Quả thật, thời gian của bố mẹ ngày càng ngắn lại, cái mà bố mẹ mong chờ nhất chỉ là thấy con cháu quây quần, cả nhà đông đủ thành viên ngày tết, ăn một bữa cơm sum họp, trò chuyện với nhau vui vẻ, thuận hòa. Tiền bạc có thể ngày nay không kiếm thì ngày mai kiếm, nhưng bố mẹ không thể đợi ta được. Thế nên lúc bố mẹ còn sống cố gắng tranh thủ về thăm, cố gắng chăm sóc ông bà trong khả năng có thể để sau này khỏi hối hận chưa kịp báo hiếu cha mẹ đã không còn.
Bởi vậy nên những người xa quê thường hay tằn tiện mỗi tháng một ít dành để tết có chi phí về quê ăn tết. Bạn S nói đùa: “Làm cả năm chỉ để xài mỗi dịp tết là quá đúng luôn. Cả năm không dám tiêu xài gì, tằn tiện để dành, tết nhất thì cái gì cũng tăng giá, vé xe có cao mấy cũng phải cắn răng mua để về quê, rồi thì quà cáp, biếu xén, lì xì… bao nhiêu là khoản đổ dồn vào tết. Đôi khi nghĩ xa quê mà làm chẳng có dư thì về quê quách cho rồi, dù làm làm lương ít mà bớt chi phí cũng có dư chút ít”. Tôi đùa vậy sao không về quê. Bạn cười: “Về quê thì khó kiếm được việc như ý mình, thêm nữa sống chung với ông bà, ông bà quản nhiều quá cũng đâm mất tự do. Mình còn trẻ, chân còn muốn đi, sau này lập gia đình thì chắc cũng phải tính phương án về quê quá”. Nghe tâm sự của bạn cũng cảm thông được phần nào. Người trẻ mà, ít khi nào chịu gò bó, kiểm soát, bao giờ cũng muốn bay nhảy, tự do và tự lo cho bản thân.
Cũng có những phận người làm cả năm còn chẳng đủ ăn thì lấy gì về quê. Như ông già bán vé số trong khu trọ của tôi chẳng hạn. Năm nào ông cũng lủi thủi đón tết một mình trong phòng trọ. Không vợ con, bán vé số chẳng được bao nhiêu phải tằn tiện mới đủ chi tiêu hàng tháng. Với ông tết cũng chỉ là một ngày bình thường như mọi ngày. Ông vẫn đi bán như thường, hỏi ông có buồn không thì ông cười xòa: “Buồn gì mà buồn, tết nhứt bán đắt hàng hơn ngày thường còn mừng á chớ. Mà đi cả ngày có ở phòng đâu mà buồn. Tối về mệt tắm rửa ngủ khò lấy gì nữa mà buồn”. Nói rồi ông cười khà khà, giọng cười sảng khoái dữ lắm. Nhìn cái điệu bộ cười của ông tự dưng bật cười theo, không phải vì vui mà là vì cái bộ tếu tếu của ông. Mặc dù hoàn cảnh của ông ai nhìn cũng rớt hai tiếng “tội nghiệp” nhưng chẳng bao giờ ông than phiền cả, lúc nào ông cũng cười khà khà rất giòn, ai mà có ý mủi lòng thương hại là ông gạt phắt đi, “mỗi người một số phận, đã không thay đổi được thì chấp nhận, đã chấp nhận rồi thì cứ vui vẻ mà sống, buồn cũng phải sống, vui cũng sống, mắc gì không vui cho đời bớt khổ”. Dẫu ông lúc nào cũng cười, dẫu lời ông nói luôn lạc quan, nhưng tôi biết rằng chắc chắn phải có những lúc chợt giật mình thức dậy trong đêm, nhìn căn phòng trọ bé xíu, nhìn lại thân phận mình, hẳn ông cũng có ít nhiều tâm sự buồn, cũng nhớ cố hương mà chẳng thể trở về.
Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy cùng chung một cảnh xa quê. Quê hương là hai tiếng thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn của mỗi người. Nơi đó có căn nhà tuổi thơ, có cha mẹ ngày ngày đợi ta trở về. Còn cha mẹ để trở về là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Bởi vậy mỗi lần cuối năm, người người nao nức chờ tới ngày được trở về, dẫu chẳng dư dả kinh tế cũng vẫn ráng thu vén để được trở về…