Theo dõi trên

Một số điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng

29/10/2024, 21:55

Ngày 10/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Quyết định số 190-QĐ/TW kèm Quy chế bầu cử trong Đảng để thay thế cho Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Quy chế bầu cử trong Đảng (mới) có một số điểm bổ sung, sửa đổi như sau:

Về bố cục

Quy chế đã lược bỏ Điều 8 (Áp dụng đối với việc bầu cử không phải tại đại hội); hợp nhất Điều 9 và Điều 10 (Ứng cử và Thủ tục ứng cử), Điều 11 và Điều 12 (Đề cử và Thủ tục đề cử); bổ sung một điều mới (Điều 7: Nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội). Sau khi sửa đổi, bổ sung, Quy chế bầu cử trong Đảng gồm 7 chương, 36 điều, giảm 2 điều so với Quy chế bầu cử ban hành theo Quyết định số 244-QĐ/TW.

mot-so-diem-moi-quy-che-bau-cu-trong-dang.png

Về những nội dung bổ sung, sửa đổi

Thứ nhất, về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Quy chế bầu cử mới chuyển toàn bộ nội dung của Điều 8 vào Điều 1 và diễn đạt lại, bao quát đầy đủ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Quy chế bầu cử trong Đảng cho đầy đủ, thống nhất với Hiến pháp, Quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Quyết định của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Thứ hai, về nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội (Điều 4), bổ sung, sửa đổi, diễn đạt lại Khoản 1 và bổ sung một khoản mới là Khoản 7 nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội theo Quy định của Điều lệ Đảng, Quy định thi hành Điều lệ Đảng và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy và để đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Thứ ba, về nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội (Điều 5), bổ sung một khoản mới (Khoản 8) là “Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới”. Quy định này được đồng bộ với quan điểm, yêu cầu của phương hướng công tác nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

Thứ tư, bổ sung một điều mới là Điều 7 về nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội nhằm quy định đầy đủ các tổ chức điều hành, giúp việc của đại hội được quy định tại Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng.

Thứ năm, việc ứng cử và thủ tục ứng cử (Điều 9), bổ sung, sửa đổi và diễn đạt lại Điểm đ, Khoản 1 nhằm bảo đảm quyền ứng cử của đảng viên theo Điều lệ Đảng nhưng vẫn thống nhất với quy định về ứng cử của cấp ủy viên trong Quy chế. Cụ thể Điểm đ, Khoản 1 đã bổ sung nội dung “... ủy viên ban thường vụ ứng cử để được bầu làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy cấp mình (trừ các trường hợp quy định tại Điều 11 của Quy chế này)”.

Thứ sáu, việc đề cử và thủ tục đề cử (Điều 10), bổ sung một khoản mới là Khoản 3 “Người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử. Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng”. Đây là nội dung được cập nhật, bổ sung của Hướng dẫn số 03-HD/TW ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng.

Thứ bảy, Quy định về số dư và danh sách bầu cử (Điều 14), bổ sung, sửa đổi ở Khoản 3 và diễn đạt lại để đảm bảo công bằng giữa nhân sự cấp ủy triệu tập đại hội đề cử và nhân sự không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử. Cụ thể, quy định “Người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định”.

Thứ tám, phiếu bầu cử (Điều 15), bổ sung, sửa đổi Khoản 1 và Khoản 2 để quy định rõ phiếu bầu trong trường hợp danh sách bầu có số dư, phân biệt với phiếu bầu trong trường hợp danh sách bầu không có số dư và để quy định đầy đủ các trường hợp phiếu bầu không hợp lệ trong quá trình bầu cử. Cụ thể Khoản 1, Điều 15 đã bổ sung “Trường hợp danh sách bầu có số dư, phiếu bầu được chia làm 2 cột là: Số thứ tự, họ và tên. Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu”.

Thứ chín, danh sách trích ngang của các ứng viên (Điều 16), đã sửa đổi, bổ sung và diễn đạt lại để đại biểu đại hội, đảng viên nắm rõ thông tin về các ứng cử viên trước khi bầu cử. Nếu như ở Quy chế cũ, việc đoàn chủ tịch đại hội cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên để đại biểu nghiên cứu trước, trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức chỉ quy định từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên thì ở Quy chế bầu cử trong Đảng mới đã quy định thực hiện từ đại hội đảng bộ cơ sở trở lên.

Cùng với những nội dung bổ sung, sửa đổi nêu trên, một số nội dung của Quy chế bầu cử trong Đảng đã được biên tập lại để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong thời gian tới, để chuẩn bị kịp thời cho đại hội đảng các cấp, Ban Bí thư sẽ ban hành Hướng dẫn một số điều của Quy chế bầu cử trong Đảng để thống nhất thực hiện trong toàn Đảng.

NGUYỄN ANH TRUNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú làm Thường trực Ban Bí thư
Ngày 25/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Nổi bật
Phát huy dân chủ ở cơ sở, khẳng định vai trò trung tâm của người dân
Dân chủ ở cơ sở không chỉ là nền tảng của một xã hội công bằng, minh bạch, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tại Bình Thuận, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trung tâm của người dân trong việc xây dựng chính quyền gần dân, hiểu dân và vì dân...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một số điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng