Bằng tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình, ông đã làm cho bạn bè trong nước và quốc tế không chỉ biết đến vẻ đẹp tiềm ẩn của Phan Thiết - Bình Thuận mà còn ngưỡng mộ, khao khát tìm đến tận nơi để tìm hiểu, khám phá và giới thiệu thông qua lăng kính của nghệ thuật nhiếp ảnh. Hơn 90 tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, ông đã để lại khối lượng tác phẩm khá đồ sộ và hầu hết đều được “đóng đinh” ở những giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Đề tài “đồi cát Mũi Né” là một trong những nguồn cảm xúc dồi dào, thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm đỉnh cao của ông và nhiều đồng nghiệp nổi tiếng khác như: Nguyễn Cao Đàm, Lê Anh Tài, Nguyễn Mạnh Đan, Khưu Từ Chấn, Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhìn vào những tác phẩm nghệ thuật đen trắng chụp đồi cát Mũi Né của ông khiến ta liên tưởng đến những tác phẩm chụp phong cảnh SaPa của NSNA lão thành Võ An Ninh. Cả hai nghệ sĩ lớn ở hai miền của Tổ quốc đã gặp nhau ở một điểm chung là đều cống hiến cho đời những tuyệt phẩm, vinh danh quê hương, đất nước. Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, khi mà kỹ thuật ảnh màu còn chưa phát triển, ông đã được đồng nghiệp phía Nam đánh giá rất cao về khả năng sử dụng “kỹ thuật buồng tối” để cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật xuất sắc và sống động.
Tất cả những thành tích đó đã làm nên “tấm căn cước” đưa ông đến với danh hiệu cao quý - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Gia Anh (1973). “Hẹn hò” là một tác phẩm nổi tiếng khác của ông, thể hiện một thủ pháp mang dáng dấp nghệ thuật phương Đông, kiểu “vẽ mây, nảy trăng”; lấy cái “tĩnh” để khơi gợi cái “động”, đồng thời mở ra những góc nhìn đa dạng về phía người cảm thụ. Đập vào mắt người xem là ý tưởng thanh thoát, nhuốm màu sắc lãng mạn, bay bổng mà vẫn bám rễ thật sâu vào đời sống thực tại. Tôi biết, rất nhiều NSNA trẻ xem tác phẩm “Hẹn hò” của ông như là một tác phẩm kinh điển, mẫu mực để nghiên cứu, học hỏi. Lâu nay, trong nhiều bài viết về ông, ít có người chú ý đầy đủ đến giá trị lịch sử của mảng ảnh tư liệu, đặc biệt là những tấm ảnh gắn với sự thăng trầm của thành phố Phan Thiết - tỉnh lỵ của Bình Thuận. Nếu trước kia là những tấm ảnh chụp về Lầu Ông Hoàng (nay trở thành tấm ảnh quý hiếm), bia Đài, tháp nước Phan Thiết, đá Ông Địa, rừng dừa Mũi Né, cầu Quan… thì sau này, đó là những tấm ảnh lịch sử có một không hai như bức ảnh “Xe tăng bộ đội cách mạng tiến vào giải phóng Phan Thiết” ngày 19/4/1975.
Tham gia BCH Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh liên tiếp 4 khóa (1986 - 2010), tôi có vinh dự được làm người bạn vong niên với ông, và phát hiện ra nhiều điều hết sức thú vị về ông, không chỉ đóng khung trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Trước hết, đó là thú say mê đọc sách, sau nữa là khả năng cảm tác Đường thi (với bút danh Anh Tứ); đó là chưa kể năng khiếu về mỹ thuật, âm nhạc bộc lộ từ thời thiếu niên của ông. Chỉ nói riêng về thú đọc sách, ông đặc biệt yêu thích và cất công mua, sưu tầm những sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà tình báo ngoại hạng Phạm Xuân Ẩn. Khác với một số người, đôi khi chỉ mua sách về để trưng bày lên kệ cho đẹp mắt, ông luôn đọc đi đọc lại những cuốn sách yêu thích và sẵn sàng trao đổi, chia sẻ với những người cùng sở thích một cách tâm đắc. Ông nhớ chính xác từng sự kiện, nhân vật, diễn biến của bối cảnh lịch sử đối với những tác phẩm “gối đầu giường”. Sinh thời, khi ông còn khỏe, bao giờ đến thăm ông tôi cũng mang sách mới theo để tặng và cùng trao đổi với ông về một bài thơ hay, một chi tiết đắc địa trong một truyện ngắn hoặc một nhân vật chính trong bộ phim mà trước đó ông đã xem và nhập tâm cùng nhân vật. Hai chú cháu duy trì bền bỉ thú vui tao nhã này trong một thời gian khá dài cho đến khi bộ sưu tập sách của ông xếp đầy trên kệ sách thì sức khỏe của ông cũng dần giảm sút do tuổi cao.
Ngoài vai trò là nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, ông còn là một phật tử thuần thành có uy tín, một người anh đáng kính của CLB dưỡng sinh Phan Thiết. Niềm hạnh phúc lớn nhất của ông là sự nghiệp mà ông dành trọn cuộc đời để theo đuổi và tận hiến đã được các con ông kế tục một cách xứng đáng. Nếu tôi nhớ không lầm, thì Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) đã về tận Phan Thiết làm phim tư liệu để giới thiệu và tôn vinh “Gia đình nhiếp ảnh” của ông. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đình Hồng, Ngô Đình Hòa đã thật sự xứng đáng là “con nhà tông…” khi liên tiếp đạt nhiều giải thưởng cao quý tại các cuộc tranh tài về nghệ thuật nhiếp ảnh trong nước cũng như quốc tế. Lớp mầm non đàn cháu trong gia đình cũng đã bắt đầu hé lộ đây đó năng khiếu di truyền của ông để lại. Chỉ tiếc một điều, tập sách ảnh thâu tóm toàn bộ đóng góp của ông đối với nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà chỉ mới nằm trong dự định. Sự ra đi của ông vào năm 2019 đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, người thân và đông đảo đồng nghiệp trân quý ông ở cả hai miền Nam - Bắc. Nên chăng, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương cần có một giải thưởng ghi nhận và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của ông trên lĩnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh trong suốt 70 năm cầm máy.