Theo dõi trên

Câu chữ của đình làng An Hải

06/12/2024, 05:27

An Hải là tên một làng chài xưa, ở phía tả ngạn kề cửa biển Phú Hài, nay thuộc khu phố 4 phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.

Phường Phú Hài có xuất xứ từ địa danh Phố Hài đã có lịch sử lâu đời hơn 300 năm. Năm 1697 ở Bình Thuận, chúa Nguyễn đặt 4 đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Ly và Phố Hài. Đạo Phố Hài có địa giới từ sông Duồng (Tuy Phong) đến sông Phố Hài.

an-hai.jpg
Cổng Tam quan đình làng An Hải.

“Quan Quản đạo Phố Hài đóng lỵ sở ở cửa Phố Hài” (Theo lịch sử truyền thống xã Phú Hải năm 1996).

Như vậy làng An Hải, nơi có đình làng An Hải, có thể là nơi đóng lỵ sở của đạo Phố Hài xưa từ cuối thế kỷ 17.

An Hải là một trong bảy làng của vùng đất Phú Hài gồm: Tú Lâm, Ngọc Lâm, Thiện Chánh, Xuân Hòa, Sơn Thủy, An Hải bên tả ngạn và làng Tân Hải bên hữu ngạn sông Phú Hài. Làng An Hải đông dân, chuyên nghề biển là một làng trù phú nên ngoài đình làng, còn có Dinh Ông Nam Hải và Vạn Phú Bình, dấu ấn của ngư dân Quảng Bình và các tỉnh miền Trung đến lập nghiệp từ rất sớm. Thời điểm dựng đình làng An Hải chưa tra cứu được, nhưng có thể vào nửa đầu thế kỷ 18, vì năm 1725 ở làng Sơn Thủy đã có Thiên Hậu Cung của cộng đồng người Hoa, và làng Thiện Chánh có chùa Ngự Tứ Bửu Sơn nơi chúa Nguyễn Ánh bôn tẩu ghé lại năm 1775.

Đình làng An Hải đã nhận được tất cả 7 sắc phong của các vua triều Nguyễn, hiện đang được lưu giữ tại đình, trong đó sắc chỉ đầu tiên là của vua Minh Mạng vào năm 1824. Bên trái tờ sắc có dòng chữ Nho kèm theo dấu ấn son của vua: 明命五年貳月拾壹日 “Minh Mạng ngũ niên nhị nguyệt thập nhất nhật” (Ngày mười một tháng hai Minh Mạng thứ tư năm Giáp Thân). Đây là sắc phong sớm nhất của vua triều Nguyễn, so với các đình làng khác ở khu vực Phan Thiết và nam Bình Thuận.

Đình làng An Hải hiện nay được tạm dựng lại trên nền đất cũ vào năm 1955 vì đình xưa đã bị phá hủy trong chiến tranh chống Pháp. Vì vậy có thể nói các câu chữ của đình làng còn sót lại hiện nay là phần di sản văn hóa tinh thần quý hiếm để người đời nay có thể tìm lại chút tâm tư và bóng dáng người xưa.

1. Câu đối ở cổng đình làng:

Cổng Tam quan đình mới được trùng tu năm 2017. Hai bên cổng chính có câu đối:

聖 德 照 前 亭 通 海 境 / 神 恩 降 福 祿 度 人 生

Phiên âm: Thánh đức chiếu tiền đình thông hải cảnh/ Thần ân giáng phúc lộc độ nhân sinh

Tạm dịch: Thánh đức sáng tiền đình thông cõi biển/ Ơn thần ban phước lộc giúp dân sinh.

Câu đối nói lên ước vọng và lòng biết ơn các bậc thánh thần đã sáng soi phù hộ, giúp công việc mưu sinh được thông suốt, tạo niềm tin và mang đến cuộc sống an cư lạc nghiệp cho dân làng.

2. Câu đối trước đình thần:

Đình thần ở khu vực trung tâm chính diện với cổng tam quan, trước có cột cờ và võ ca sân khấu. Trước cửa đình thần có 2 câu đối:

* Câu giữa: 前 人 功 祊 泽 栽 培 土 宇 / 後 大 志 竟 成 盛 旺 江 山

Phiên âm: Tiền nhân công banh trạch tài bồi thổ vũ/ Hậu đại chí cánh thành thịnh vượng giang sơn

Tạm dịch: Công ơn người trước đắp bồi đã thắm nhuần cương thổ/ Chí lớn người sau trọn thành giúp hưng vượng núi sông.

* Câu biên: 風 淳 俗 厚 順 海 魚 來 得 利 / 雨 润 時 和 法 水 濯 聚 財 源

Phiên âm: Phong thuần tục hậu thuận hải ngư lai đắc lợi/ Vũ nhuận thì hòa pháp thủy trạc tụ tài nguyên.

Tạm dịch: Phong tục thuần lương biển lặng cá về đạt lợi/ Thời tiết thuận hòa nước sạch hội tụ tài nguyên.

Điều đáng ngạc nhiên là cả hai câu đối trước đình thần không đề cập đến việc mong cầu thánh thần ban ơn giáng phúc cho dân như ở cổng đình làng, mà lại nhắc nhở mọi người dân phải nhớ công ơn tiền nhân đã khai mở đất đai, đề cao nếp sống có thuần phong đạo đức và khuyến khích người thời nay noi gương người trước mà tô điểm cho non sông đất nước ngày càng hưng thịnh .

an-hai-1.jpg
Ấn chỉ sắc phong của vua Minh Mạng.

3. Câu đối trong đình thần:

Trên ban thờ giữa điện có một chữ 神 (Thần) lớn bằng chữ Nho. Phía trên có một hoành phi ghi: 正履公奉: Chính lí công phụng (Dâng cúng chung cho các thần chính vị). Hai bên ban thờ thần có một câu đối:    

安 居 樂 業 崇 修 千 載 新 曾 / 海 景 清 平 古 肇 萬 代 世 興

Phiên âm: An cư lạc nghiệp sùng tu thiên tải tân tằng/ Hải cảnh thanh bình cổ triệu vạn đại thế hưng.

Tạm dịch: An cư lạc nghiệp nhờ chuộng dưỡng tu, ngàn năm thêm mới/ Cảnh biển thanh bình tự xưa khai mở, vạn đời hưng thịnh.

Câu đối trong đình thần có hai chữ đầu ghép lại thành từ An Hải lại có cảnh biển thanh bình cho thấy đây đúng là câu đối của đình làng. Nội dung ý nghĩa cũng tương tự như hai câu trước cửa đình thần. Nhưng còn có thêm ý đề cao việc tu thân làm căn bản cho cho sự an cư lạc nghiệp được dài lâu. Liên quan đến nội hàm tu dưỡng này, trong đình thần có 4 bức hoành phi treo hai bên ban thờ tạm dịch như sau:

* 思 若 嚴: Tư nhược nghiêm (Suy nghĩ cho nghiêm túc)

* 格 能 誠: Cách năng thành (Sửa được mình chân thành)

* 臨 其 異: Lâm kỳ dị (Đạt đến điều kỳ diệu)

* 留 尊 德: Lưu tôn đức (Để lại công đức cao)

Để giải thích rõ thêm ý nghĩa của 4 bức hoành phi này chúng tôi xin lược trích một số ý trong sách Nho giáo, quyển thượng mục Tu thân của học giả Trần Trọng Kim, Nhà xuất bản Văn học năm 2019 như sau:

“Sách Đại học của đạo Nho có nói: “Tự Thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (Từ vua cho đến người dân, ai cũng phải lấy sự sửa mình làm gốc).

Muốn sửa mình cho thành người đức hạnh hoàn toàn (Tu thân) thì trước hết phải giữ cái lòng mình cho ngay thẳng (Chính tâm) giữ cái ý nghĩ của mình cho chân thành (Thành ý) mới hiểu rõ được các sự vật, đạt đến cùng cực cái biết (Cách vật trí tri), rồi sau mới tề gia trị quốc bình thiên hạ… lưu lại công đức cao cho muôn đời”.

Có thể nói mười hai từ trên 4 bức hoành phi của đình làng đã diễn giải một cách dễ hiểu những lời dạy thâm sâu của đạo Nho: “Chính tâm, thành ý, cách vật trí tri, tu, tề, trị, bình” là cái lý tưởng đạo đức cao tột cho tất cả mọi người trong xã hội, trong đời sống văn hóa tinh thần của nước ta một thời chưa xa.

4. Câu đối trước cửa đình Tiền hiền: Đình Tiền hiền nằm ở bên phải đình thần. Trước cửa đình có 2 câu đối:

* Câu giữa: 亭 前 東 海 有 風 水 順 和 / 殿 後 山 高 生 福 地 民 安

Phiên âm: Đình tiền Đông hải hữu phong thủy thuận hòa/ Điện hậu sơn cao sinh phúc địa dân an.

Tạm dịch: Biển Đông trước đình tạo phong thủy thuận hòa/ Núi cao sau điện sinh đất phúc yên dân.

Trước mặt đình làng An Hải là biển Đông quanh năm trời yên biển lặng. Ngay sau đình có núi Bửu Sơn (còn có tên Bà Nài), xa hơn có núi Ngọc Sơn (còn gọi là Núi Cố). Vì vậy địa thế của đình và làng An Hải là tọa sơn hướng thủy, một vị trí đắc địa theo thuật phong thủy của người xưa.

* Câu biên: 造 立 基 圖 來 後 世 / 圓 成 事 業 奉 前 人

Phiên âm: Tạo lập cơ đồ lai hậu thế/ Viên thành sự nghiệp phụng tiền nhân

Tạm dịch: Tạo dựng cơ đồ lưu hậu thế/ Làm tròn sự nghiệp hiến tiền nhân.

Đây là một lời kêu gọi lớp người đương thời hãy nỗ lực trong công việc, cố gắng làm tròn sự nghiệp của mình, đem lại thành quả tốt đẹp dâng hiến báo ơn tiền nhân và lưu lại thanh danh cho đời sau.

5. Câu đối trong đình tiền hiền: Giữa đình là ban thờ tiền hiền trong có 2 bài vị. Giữa là bài vị lớn có dòng chữ Nho: Tam vị tiền hiền đương vị (Ba vị tiền hiền đang tại vị). Bên phải là bài vị nhỏ hơn có dòng chữ: Nhị vị hậu hiền đương vị (Hai vị hậu hiền đang tại vị). Trước và hai bên ban thờ này còn có 2 bài vị nhỏ hơn bằng chữ Nho: Tả ban liệt vị chi thần và Hữu ban liệt vị chi thần.

Hai bên ban thờ tiền hiền có treo câu đối:

前 造 巍 峩 千 載 盛 / 賢 人 積 德 萬 年 春

Phiên âm: Tiền tạo nguy nga thiên tải thịnh/ Hiền nhân tích đức vạn niên xuân

Tạm dịch: Người trước dựng cơ ngơi đồ sộ ngàn năm hưng vượng/Người hiền tích góp phước đức làm nên vạn mùa xuân.

Câu đối có hai chữ đầu ghép lại thành từ Tiền hiền nội dung đề cao các bậc tiền nhân có công tạo lập xóm làng, xây dựng đình làng nguy nga to lớn. Có công mà lại có đạo đức thì mới được dân làng tôn xưng là tiền hiền, hậu hiền được tôn vinh thờ phụng như các thần hoàng. Năm vị tiền hậu hiền ở đây còn có tả hữu liệt vị chi thần phò trợ, chứng tỏ người dân kính trọng đề cao người có công đức hơn cả quỷ thần.

Phần kết: Qua các câu chữ của đình làng An Hải, có thể thấy bóng dáng các ông cử, ông đồ trên các đoàn lưu dân xứ Quảng đến Phố Hài thời mở đất. Các vị Nho học này đã truyền bá cái quan niệm: “Vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi” (Lo cho dân là nghĩa vụ, còn quỷ thần thì kính mà xa ra) - Trích Luận ngữ.

Vì vậy nội dung các câu chữ của đình làng trên đây chủ yếu đề cao công đức tiền nhân, khuyến khích người dân tu dưỡng đạo đức, noi gương người trước giữ gìn đắp bồi cương thổ, xây dựng cuộc sống có thuần phong mỹ tục để được an cư lạc nghiệp dài lâu. Còn đối với thần thánh thì vẫn tôn kính biết ơn đã sáng soi, ban phước lộc mà không có mong cầu gì nhiều.

Ông Trần Quang Đoàn 64 tuổi, Trưởng Ban quản lý đình làng An Hải cho biết, đình hiện nay còn duy trì được các lễ hội như: Xuân thu nhị kỳ tế thần, tiền hiền... vào các ngày mùng 4/4 và ngày 11/11 âm lịch, lễ thanh minh cầu quốc thái dân an, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, lễ hội hát bội tế thần hàng năm kết hợp cho dân chúng xem. Trong các lễ hội có nhiều tiết mục như thả thuyền, hát bả trạo, múa rồng, múa lân… tổ chức nơi sân đình cao ráo thoáng mát, và diễu hành trên đường Hàn Mặc Tử, được đông đảo bà con hưởng ứng, đặc biệt số thanh thiếu niên trẻ đa phần là lao động biển tham gia, tạo được không khí tươi trẻ hào hứng cho người dân trong cái làng đông đúc chật chội và tương đối biệt lập này.

HOÀNG HẠNH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp và bắn pháo hoa chào năm mới 2025
BTO-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận vừa có Kế hoạch tổ chức chương trình “Chào năm mới 2025”, theo đó sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ nhân dân lẫn du khách nhân dịp năm mới tới đây.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chữ của đình làng An Hải