Những củ kiệu tươi còn lẫn đất dưỡng tròn căng thoảng mùi hăng hăng đặc trưng một góc chợ, gợi cho mọi người: Tết đã sắp về rồi! Chợ lớn, các chợ tự phát, nhiều nơi, củ kiệu tươi được bày bán trên các lề đường. Nhiều dì, nhiều chị đã mua những lứa kiệu đầu tiên để về làm. Dẫu còn một tháng rưỡi mới đến tết, có những gia đình làm sớm, để dành tặng người thân, ơn nghĩa của gia đình. Kiệu năm nay tốt, củ to tròn, trắng mọng, giá không cao lắm. Giá kiệu đẹp dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Có nhiều cách chế biến kiệu khác nhau, tùy theo từng gia đình, để cho ra những hũ kiệu chua ngọt với vị riêng biệt. Có gia đình, củ kiệu tươi được ngâm một đêm vào nước tro được lắng trong. Hôm sau, đem ra xả sạch, phơi nắng, rồi lột lớp vỏ ngoài một cách cẩn thận, để kiệu chỉ còn lại phần thân trắng. Sau đó, cắt phần đầu và phần đuôi củ kiệu. Rửa lại kiệu bằng nước giấm. Tiếp tục ướp với đường cát trắng từ một đến hai ngày. Sau đó, thắng nước giấm với đường Mỹ Tho (đường kim cương) - loại đường hạt to - và một ít muối bọt, để nguội, đổ vào hũ kiệu được sắp sẵn. Kiệu được ngâm trong nước giấm thắng với đường, muối như trên khoảng mười ngày là kiệu thấm, ăn được.
Củ kiệu muối chua ngọt rất giòn được ăn chung với rất nhiều loại thực phẩm. Ngày tết, củ kiệu được ăn với thịt heo kho tàu, ăn với bánh tét, bánh chưng, kiệu được cuốn chung với măng kho, bánh tráng mỏng; củ kiệu và nước kiệu được trộn chung trong một đĩa trứng vịt bắc thảo, tôm khô làm món nhậu bình dân nhưng không kém phần hấp dẫn; kiệu còn dùng trộn với món kim chi, trộn gỏi; kiệu thêm vào tô mì tôm nóng làm tăng vị chua chua… Có bao món ngon của quê hương cần có củ kiệu hòa chung. Có củ kiệu, nước củ kiệu, nhiều món ăn ngon hơn rất nhiều, vị ngọt ngọt, chua chua, mang đặc trưng riêng biệt.
Xa nhà, người bạn của vợ tôi thường nhớ về món củ kiệu muối chua ngọt. Và những hũ củ kiệu tết lại được đóng thùng, gởi đến phương trời xa. Bởi tình cảm đằm sâu với người thân, những người trong gia đình tôi khi làm, chăm chút hơn, kỹ lưỡng hơn, để có những hũ củ kiệu trắng trong, tinh khiết, tự nhiên, không hề có chất tẩy trắng trộn vào. Và nhờ làm kỹ như vậy, kiệu muối chua để dành được rất lâu, không đổi hương vị.
Gần sát tết, củ kiệu tươi càng về nhiều hơn. Và ở nhiều gia đình, những tràng kiệu được phơi trong sân, trong vườn nhà, mùi hăng hăng nhưng lại dễ chịu. Ngửi mùi thơm của kiệu tươi, gợi cho bao người nhớ rằng một mùa xuân nữa lại về! Thêm một nỗi da diết nhớ về mẹ, về bà, trong lòng anh, lòng em, lòng các con của chúng ta. Bởi, những ngày cuối đông của những năm trước đây, xa lắm, mẹ cũng đã từng phơi kiệu, cắt kiệu, ướp kiệu trong những chiếc hũ thủy tinh trong suốt, để cả nhà dùng, để cả gia đình cùng thưởng thức vị ngọt ngọt, chua chua của kiệu giòn trong những ngày xuân về, tết đến!