Trước khi có Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, các doanh nghiệp phải chịu khá nhiều chi phí cho công tác vận chuyển hàng hóa tổng hợp, nông sản, thiết bị siêu trường, siêu trọng... Sự ra đời của Cảng là lời giải cho bài toán khó của vùng, giúp nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2021, số hàng hóa thông qua Cảng đã lên tới hàng triệu tấn.
Tới thăm bến cảng trong một buổi chiều hàng cập bến, mới thấy được sự hoành tráng của những dự án công nghiệp khổng lồ và cả khả năng làm việc chuyên nghiệp của cán bộ, nhân viên Cảng. Với những dự án điện gió, các tàu cập Cảng đều là tàu siêu trường, siêu trọng, lớn đến nỗi che kín mặt nước bến cảng. Mỗi một món hàng bốc dỡ đều nặng từ hàng chục tấn trở lên, buộc phải có kế hoạch tiếp nhận, bốc dỡ tỉ mỉ, để vừa bốc dỡ an toàn, vừa tiết kiệm được thời gian cho khách hàng thực hiện dự án. Chúng tôi nhận thấy chiếc cần cẩu lớn với sức nâng lên đến 80 tấn lần lượt nâng từng cánh quạt điện gió dài ngoằng trên thân tàu rồi đặt vào đúng vị trí của chiếc xe tải dài hàng chục bánh đang đậu sẵn dưới bến. Đội ngũ vận chuyển hoạt động liên tục, kết nối với điều độ Cảng bằng bộ đàm, giải quyết nhanh chóng từng vấn đề phát sinh. Hàng hóa được sắp xếp một cách trật tự trên khắp bến cảng, rồi được cẩn thận đưa lên những chiếc xe tải đang xếp hàng, cứ thế, từng chuyến hàng nối đuôi nhau chầm chậm rời đi.
Các đối tác của Cảng có thể kể đến nhiều tàu quốc tế vận chuyển tro bay cho Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; tàu chở trang thiết bị điện gió, điện mặt trời cho các dự án lớn ở Bình Thuận, Ninh Thuận như Trung Nam, Thái Hòa, BIM, Hòa Thắng, Lợi Hải, Phú Lạc; tàu chở nguyên vật liệu xây dựng, cọc bê tông ra các huyện đảo như Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.
Bên cạnh phát triển kinh tế, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân luôn đề cao ý thức bảo vệ môi trường. Hiện nay, Tập đoàn Thái Bình Dương và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã và đang cùng với các đối tác có uy tín, kinh nghiệm tiếp tục triển khai đầu tư Nhà máy xử lý tro xỉ và sản xuất các sản phẩm cấu kiện bê tông với công suất thiết kế xử lý tro xỉ nhiều triệu tấn/năm. Đồng thời, Cảng cũng đang phối hợp với đối tác triển khai dự án Trung tâm Hậu cần Vĩnh Tân, với mục đích thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, hỗ trợ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp trong khu vực, mang lại nguồn thu ngân sách cho địa phương và qua đó thu gom chất nạo vét, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực này.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ban lãnh đạo Cảng, cùng cán bộ, nhân viên (CB-NV) đồng lòng, quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhiều giải pháp đã được Ban lãnh đạo Cảng Quốc tế Vĩnh Tân nghiêm túc thực thi như lập chốt kiểm dịch ngay tại cổng vào Cảng; tiến hành khai báo y tế, đo thân nhiệt cho CB-NV, đối tác, khách hàng ra vào Cảng. Việc kiểm soát các tàu ra vào Cảng được thực hiện nghiêm ngặt, các thuyền viên được kiểm tra lịch trình, yêu cầu khai báo y tế và chỉ được vào Cảng khi có sự chấp thuận của Đồn Biên phòng cửa khẩu Liên Hương. Nhờ vào đó, Cảng luôn giữ vững vùng xanh, tạo điều kiện an toàn nhất cho khách hàng đến làm việc và CB-NV yên tâm công tác.
Ông Phan Lê Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Vĩnh Tân khẳng định: “Với hạ tầng kỹ thuật - trang thiết bị hiện đại, dịch vụ đầy đủ và đồng bộ, cùng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, chúng tôi cam kết cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp và người dân trong xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng. Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đặt mục tiêu trở thành điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để “kết nối những hành trình” khi vươn ra biển lớn”.
Với những thành tích trong xây dựng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, năm 2021 vừa qua, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3. Bước sang năm mới, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân sẽ tiếp tục cuộc hành trình với những khát vọng vươn xa, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, phát huy tốt hơn nữa tiềm lực hiện có, mang đến nhiều giá trị cho khách hàng và cho các địa phương trong vùng.