Theo dõi trên

Mỹ ngỏ ý muốn tái gia nhập UNESCO

14/06/2023, 15:10

Gần 6 năm kể từ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), mới đây, Mỹ thông báo nước này muốn tái gia nhập tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp).

Đơn xin gia nhập của Mỹ sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên của UNESCO vào tháng 7 tới. Từng là nhà tài trợ lớn nhất của tổ chức UNESCO, quyết định gia nhập trở lại của Mỹ được kỳ vọng sẽ mang lại đóng góp tích cực hơn cho cộng đồng quốc tế về giáo dục, văn hóa và khoa học.

a3.jpg

Buổi họp báo của đại diện UNESCO tại Paris, Pháp ngày 12/6. Ảnh: AFP

Vì sao Mỹ muốn trở lại UNESCO?

Quan hệ giữa Mỹ và UNESCO đã trải qua nhiều trắc trở trong 4 thập niên. Mỹ rời UNESCO năm 1983 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nhưng cựu Tổng thống George W. Bush đưa nước này tái gia nhập vào năm 2002. Năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi UNESCO và hoàn tất tiến trình rút lui vào năm 2019.

Trước khi rút lui, Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm, do đó, sự vắng mặt của Mỹ lâu nay khiến tổ chức này rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính và không còn cách nào khác là phải “thắt lưng buộc bụng” trong các chương trình và xoay xở vận động các nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại.

Việc Mỹ quay trở lại UNESCO không nằm ngoài dự đoán bởi ngay từ ngày đầu nhậm chức Tổng thống Biden đã tuyên bố ý định tái gia nhập tổ chức này. Năm 2022, giới lập pháp Mỹ thông qua dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD cần thiết để trả các khoản nợ cho UNESCO, điều kiện tiên quyết giúp Washington quay lại tổ chức này. Đầu năm 2023, nước này dành 150 triệu USD trong kế hoạch ngân sách hiện tại để trả lại cho UNESCO.

Theo giới quan sát, quyết định quay trở lại UNESCO được thúc đẩy trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại trong hoạch định chính sách của UNESCO, đặc biệt là trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho giáo dục công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu. Thời gian qua, Trung Quốc đầu tư khoản tiền lớn vào các tổ chức của Liên Hợp Quốc và hiện là nhà tài trợ chính của UNESCO với mức đóng góp tới 65 triệu USD trong tổng ngân sách 500 triệu USD.

Đây cũng là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách kinh tế Bidenomics của Tổng thống Biden. Trước đó, Mỹ đã trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mỹ sẽ phải làm những gì để trở lại?

Trước tiên, Mỹ sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu của toàn bộ 193 quốc gia thành viên vào tháng 7 tới về tư cách thành viên, do đó Mỹ sẽ cần có các hoạt động vận động hành lang với các nước thành viên vì Mỹ này có thể còn hướng tới trở thành thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO. Tuy nhiên, việc vận động hành lang của Mỹ chắc chắn sẽ diễn ra suôn sẻ khi quyết định quay trở lại UNESCO của Mỹ đã được nhiều quốc gia hoan nghênh và điều này có thể nói là hiển nhiên khi Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn cho tổ chức này.

Chi tiết liên quan đề xuất quay trở lại UNESCO của Mỹ vẫn chưa được công bố chính thức nhưng theo tiết lộ từ một nguồn tin ngoại giao, kế hoạch đã được đàm phán giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và UNESCO, trong đó bao gồm thời gian biểu về việc thanh toán kinh phí đóng góp mà Washington nợ những năm qua. Cũng giống như Liên Hợp Quốc nói chung, Mỹ đóng góp nhiều kinh phí hoạt động của UNESCO, chiếm khoảng 1/5 tổng kinh phí hằng năm. Tuy nhiên, năm 2011, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu ngừng đóng góp cho UNESCO sau khi Palestine trở thành thành viên đầy đủ của cơ quan này.

Washington sau đó bị mất quyền bỏ phiếu tại UNESCO vào năm 2013 vì nợ tiền đóng góp. Tính tới thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump hoàn tất quá trình rời khỏi UNESCO năm 2019 thì Washington được cho nợ nghĩa vụ đóng góp khoảng 542 triệu USD.

Trong nỗ lực trở lại UNESCO với tư cách là thành viên đầy đủ, các nhà lập pháp Mỹ năm ngoái đã thông qua một dự luật phân bổ hơn 500 triệu USD cần thiết để trả khoản nợ cho UNESCO. Bộ Ngoại giao được phép sử dụng số tiền này cho đến mùa thu năm 2025. Sau khi các khoản nợ được thanh toán, Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 100 triệu USD/năm để duy trì tư cách thành viên bỏ phiếu. Theo kế hoạch, sau khi tái gia nhập, Mỹ sẽ phải trả các khoản nợ tính đến năm 2023 cộng với khoản tiền 10 triệu USD đóng góp thêm trong năm nay dành cho giáo dục nạn diệt chủng người Do Thái, bảo tồn di sản văn hóa ở Ukraine, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho nhà báo và giáo dục khoa học và công nghệ ở Châu Phi.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để thanh toán cho các khoản nợ và phí cho UNESCO và sẽ tiếp tục đề nghị khoản tiền tương tự cho các năm tiếp theo cho đến khi trả hết khoản nợ 619 triệu USD.

Dư luận kỳ vọng gì vào sự trở lại của Mỹ?

Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí cho hoạt động của UNESCO, chính vì vậy mà nhiều nước đã hoan nghênh quyết định của Mỹ quay trở lại tổ chức này. Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay cho biết việc Washington tái gia nhập UNESCO “là thời khắc lịch sử” của tổ chức và “là ngày ý nghĩa đối với chủ nghĩa đa phương".

Sau khi nhậm chức năm 2017, Tổng giám đốc Azoulay cho biết ưu tiên của bà là đưa Mỹ trở lại UNESCO. Theo bà Azoulay, UNESCO đang hoạt động tốt, "song sẽ còn tốt hơn khi Mỹ quay trở lại", đồng thời bày tỏ hy vọng quyết định này sẽ mang lại đóng góp cho cộng đồng quốc tế về giáo dục, văn hóa và khoa học.

Các đại sứ từ nhiều quốc gia thành viên UNESCO khác như Peru, Djibouti và Ba Lan hoan nghênh thông tin Mỹ quay trở lại cơ quan này. Đức nhận định Mỹ nên quay lại UNESCO "càng sớm càng tốt". Đại sứ Nhật Bản tại UNESCO Atsuyuki Oike đánh giá Mỹ tham gia UNESCO là điều không thể thiếu.

Với sự đóng góp tài chính đáng kể của Mỹ, UNESCO hy vọng sự trở lại của Mỹ sẽ giúp tổ chức này xúc tiến nhiều kế hoạch tham vọng hơn, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho các chương trình quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), giáo dục, nhân đạo...

Quyết định tái gia nhập tổ chức UNESCO của chính quyền Tổng thống Joe Biden là bước đi cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Biden, ngay từ khi ông nhậm chức. Trước đó, Mỹ đã trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

H LAN (TỔNG HỢP)


(0) Bình luận
Bài liên quan
Ấn Độ, Pháp và UAE lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận hàng hải ba bên
Cuộc tập trận diễn ra trong 2 ngày (7-8/6), tập trung vào các hoạt động tác chiến trên mặt nước, bao gồm các cuộc tập trận, diễn tập chiến thuật bắn đạn thật cũng như diễn tập không quân tiên tiến và các hoạt động trên tàu.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ ngỏ ý muốn tái gia nhập UNESCO