Mỹ đã chậm chân trước Trung Quốc trong vấn đề Solomon
80 năm trước, hải quân Nhật Bản cố gắng đánh chiếm Quần đảo Solomon kéo theo trận chiến đẫm máu Guadalcanal có sự tham chiến của Mỹ bên phe Đồng minh. Và ngày nay, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon. Thỏa thuận này mang lại cho quân đội Trung Quốc quyền tiếp cận đảo quốc này. Phương Tây xem đây là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực và các lợi ích chiến lược của Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden gần đây có cử một phái đoàn cấp cao tới Quần đảo Solomon nhưng đó là sau khi thỏa thuận giữa Solomon và Trung Quốc đã bị rò rỉ. Phản ứng này của Mỹ bị coi là biểu tượng cho phản ứng mang tính phòng ngự của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc thay vì nắm thế chủ động với tư cách một thủ lĩnh toàn cầu.
Hợp tác với các đồng minh và đối tác để thực thi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện được coi là nhiệm vụ cấp bách của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc giành được nhiều lợi thế về ngoại giao và có thể cả quân sự trong khu vực.
Ngoài Quần đảo Solomon, Bắc Kinh được cho là sẽ nỗ lực gây ảnh hưởng đối với toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tại Kiribati, thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang dẫn dắt việc mở rộng đường băng trên đảo Canton có vị trí chiến lược và có thể thiết lập một thỏa thuận với Trung Quốc. Thực tế này gây sức ép lên Mỹ, buộc họ phải gây dựng các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực để ứng phó với mối đe dọa của Trung Quốc.
Trước khi dự họp với lãnh đạo các nước trong Bộ Tứ, Tổng thống Mỹ Biden đã khai mở Mạng lưới Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm củng cố và tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế trong khu vực.
Mặc dù thắt chặt quan hệ thương mại đóng vai trò quan trọng, Mỹ cũng phải tập trung hơn nữa vào điều mà họ coi là mối đe dọa an ninh trước mắt, tăng cường quan hệ với 14 đảo quốc nằm rải rác trong khu vực Thái Bình Dương.
Đối sách của Mỹ
Mỹ vốn đã có mối quan hệ độc nhất vô nhị với các nước nói trên. Ví dụ tiêu biểu nhất là các Hiệp ước Liên kết Tự do, được chính thức hóa vào năm 1986 giữa Mỹ với Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Cộng hòa Palau.
Thông qua các hiệp ước này, Mỹ hỗ trợ tài chính cho các nước đó trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng. Công dân các nước đó được phép làm việc, sinh sống và đi lại tự do bên trong nước Mỹ mà không cần thị thực (visa). Họ cũng được phép phục vụ trong Lực lượng vũ trang Mỹ, với tỷ lệ khá cao. Đổi lại, Mỹ được phép bố trí quân sự chiến lược và độc quyền ở Thái Bình Dương.
Ấy thế nhưng, các hiệp ước này sẽ hết hạn trong vòng 2 năm nữa. Hiện chưa rõ liệu người ta có gia hạn các thỏa thuận này hay không. Nếu được gia hạn, các hiệp ước đó sẽ có khả năng tiêu tốn của Mỹ hơn 200 triệu USD mỗi năm nhưng con số này được đánh giá không thấm vào đâu so với thách thức địa chính trị từ phía Trung Quốc.
Mới đây chính quyền ông Biden đã chỉ định một nhà ngoại giao kỳ cựu – Đại sứ Joseph Yun, tận dụng những việc mà chính quyền ông Trump tiền nhiệm đã xúc tiến để khởi động đàm phán gia hạn các Hiệp ước Liên kết Tự do.
Việc gia hạn này giờ đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách của chính quyền Biden đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ có thể tính đến việc mời các quốc gia khác tham gia các hiệp ước tương tự. Các nước sau dễ liên kết với Mỹ: Cộng hòa Nauru, Tuvalu và Cộng hòa Samoa Độc lập. Nếu Mỹ đạt được thỏa thuận với các nước này, họ sẽ thể hiện được sự chủ động của mình trước Trung Quốc.
Ngoài việc gia hạn và mở rộng các hiệp ước nói trên, Mỹ có thể củng cố cam kết của mình đối với các sáng kiến như Các đội hành động dân sự (với một loạt dự án xây dựng và y tế cộng đồng) và chương trình dạy nghề trong khu vực, hoặc mở các đại sứ quán mới của Mỹ, từ đó thể hiện các nỗ lực ngoại giao và giá trị Mỹ. Tức là, nước Mỹ có rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác trong khu vực.
Giới bình luận đánh giá, nếu Mỹ thiếu chủ động vào lúc này, Mỹ có thể rơi vào tình trạng phải tham chiến khốc liệt ở các nước như Quần đảo Solomon, giống như đã từng phải như vậy trong quá khứ./.