Những kết quả phấn khởi
Với phương châm hướng mạnh hoạt động về cơ sở, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân làm nội dung trọng tâm, phong trào TDĐKXDĐSVH đã tác động trực tiếp đến từng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người theo các chuẩn mực văn hóa, tiến bộ. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tất cả các xã, phường trong tỉnh đã tập trung vào tuyên truyền thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới với nguyên tắc cá nhân an toàn - gia đình an toàn - cộng đồng an toàn. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng tham gia ủng hộ quỹ vắc xin, quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Song song đó giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thông qua hỗ trợ vật tư, cây con giống, trợ cấp khó khăn đột xuất, trao học bổng… Tính đến tháng 11/2021, Quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh vận động được hơn 11 tỷ đồng, đạt 117,8% và xây dựng 115 căn nhà, trị giá hơn 5,5 tỷ đồng.
Phong trào còn tác động mạnh mẽ đến xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh, kỷ cương pháp luật trong nhận thức của mọi người. Góp phần xây dựng quan hệ giữa người với người bình đẳng và nhân ái, xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên, tình hình triển khai mục tiêu 3 giảm (giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông) được các thôn, khu phố thực hiện tốt. Những nguyên tắc, nghi thức, phong tục tập quán đã được cụ thể hóa bằng các điều khoản trong hương ước, quy ước xây dựng thôn, khu phố văn hóa. Tiếp tục chấn chỉnh tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang.
Theo Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, hiện việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao được cán bộ và nhân dân hưởng ứng trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Hoạt động của các trung tâm văn hóa, thể thao xã, nhà văn hóa thôn, khu phố trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, phát huy truyền thống đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Cùng sự vào cuộc tích cực của chính quyền và đoàn thể, phải kể đến các mô hình như địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, bảo vệ môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư không có ma túy, ánh sáng an ninh, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau làm kinh tế, cựu chiến binh gương mẫu… và vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Đây là lực lượng đóng góp không nhỏ vào kết quả của phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 83/124 số xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
Đưa phong trào đi vào chiều sâu
Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần không nhỏ để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Tuy nhiên theo đánh giá của Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương, cơ sở, phong trào phát triển chưa đồng đều, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhiều nơi còn yếu, chưa đạt được hiệu quả cao. Một số địa phương còn chưa đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, khuôn viên nhà văn hóa còn thiếu nhiều hạng mục. Việc thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao ở cơ sở chưa nhiều. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, vấn đề đạo đức, lối sống nếp sống văn hóa có những biểu hiện xuống cấp…
Bối cảnh mới, đặc biệt là những tác động của những giá trị mới, hiện đại đòi hỏi việc thực hiện phong trào phải đưa ra những nghiên cứu, đánh giá tình hình để có những giải pháp trọng tâm. Vì thế Ban chỉ đạo phong trào yêu cầu phải tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở văn hóa, thể thao nhằm tạo nhiều hoạt động giải trí bổ ích cho các tầng lớp nhân dân.
Đối với các địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các nội dung của phong trào gắn với chương trình “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, nâng chất lượng phong trào theo hướng đi vào chiều sâu, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm. Phát huy và đề cao sự nêu gương của người lớn trong gia đình và xã hội để giáo dục thế hệ trẻ học tập và noi theo. Trong đó quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh em đoàn kết, thương yêu nhau… Qua đó, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giúp mỗi người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 307.000 hộ gia đình được công nhận chuẩn văn hóa, đạt 93,96%, tăng gần 6.700 hộ so năm 2020. 72 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, tăng 2 xã và 21 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.