Cụ thể, kết quả cần đạt được so với năm 2021 là diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%/năm; tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại A, B đạt trên 97%; tỷ lệ tàu cá xếp loại A, B tăng 5%; tỷ lệ cảng cá xếp loại A, B tăng 33,33%. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 5%. Ngoài ra, tỷ lệ mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm quy định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất cấm giảm 10%...
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, kiến nghị hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản. Mặt khác, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý đảm bảo ATTP. Hỗ trợ, xây dựng các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Song song, phổ biến chính sách pháp luật, thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản của tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu việc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong tỉnh.
Việc triển khai kế hoạch nhằm bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Cùng với đó, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế.