Theo dõi trên

Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên

13/06/2024, 05:05

Xã hội ngày càng phát triển, do đó các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngày càng gia tăng và phức tạp hơn. Từ đó đòi hỏi công tác hòa giải ở cơ sở cần phải đổi mới hơn nữa để phát huy được những giá trị tích cực của công tác này đối với xã hội.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Nhận thức được điều này nên thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

hoa-giai.jpg
Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Ảnh minh họa.

Trước thực trạng đó, mới đây UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1876/KH-UBND triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030”. Với quan điểm lấy hòa giải viên làm trung tâm, kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 2242/KH-UBND ngày 25/6/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng hòa giải đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp huy động các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở. Mục tiêu tổng quát của đề án nhằm xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đề án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, thời gian thực hiện đề án: Năm 2024 - 2030. Giai đoạn 1 (từ năm 2024 - 2026) sẽ thực hiện chỉ đạo điểm; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở; xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ năng cho hòa giải viên; sơ kết thực hiện đề án. Giai đoạn 2 (từ năm 2027 - 2030) chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; hướng dẫn nhân rộng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở” trên phạm vi toàn tỉnh; kiểm tra, tổng kết thực hiện đề án.

UBND tỉnh đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng cho tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở; tài liệu phổ biến các quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở được biên soạn, in ấn, đăng tải trên mạng internet đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở. Xây dựng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”. Hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở...

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu cho các hòa giải viên, UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao các ngành liên quan nghiêm túc thực hiện. Theo đó Sở Tư pháp phối hợp với các địa phương lựa chọn, thực hiện điểm 6 đơn vị cấp xã thuộc 3 huyện gồm: Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho đội ngũ luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân, lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên phối hợp, hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã...

Bên cạnh đó, quan tâm thu hút đội ngũ luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân, lực lượng công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên tham gia, hỗ trợ cho công tác hòa giải; huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ chức hội nghị, diễn đàn đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc, vấn đề mới phát sinh trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi. Kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện đề án, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng hòa giải viên, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện đề án.

AN NHIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kịp thời ngăn chặn người phụ nữ chuyển 2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo
BTO-Ngày 12/6, ông Lâm Hồng Giáp – Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Bình Thuận cho biết, cán bộ ngân hàng của đơn vị vừa phát hiện, ngăn chặn kịp thời vụ chuyển 2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên