Theo dõi trên

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số

25/01/2024, 09:51

Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng yếu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chính vì thế tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số theo 3 trụ cột chính đó là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Những bước tiến quan trọng

Xác định chuyển đổi số là xu thế và yêu cầu tất yếu khách quan, tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, tỉnh Bình Thuận đã xây dựng và phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Thuận, phiên bản 1.0 đảm bảo yêu cầu, đồng bộ theo tinh thần hướng dẫn Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông. Xây dựng và đưa vào hoạt động Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh_ESB theo hình thức thuê dịch vụ nhằm triển khai kết nối liên thông và tích hợp dữ liệu 2 hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành và Một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến ở 4 cấp. Đồng thời xây dựng và phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

chuyen-so.jpg
Lớp tập huấn chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Đối với việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành gắn với ứng dụng chữ ký số, đến nay hầu hết các văn bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận, chuyển xử lý, xem xét phê duyệt và phát hành được xử lý khép kín trên môi trường mạng. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh còn triển khai phần mềm ảo hóa và điện toán đám mây theo công nghệ mã nguồn mở để quản lý và tối ưu hóa hạ tầng máy chủ và thiết bị mạng... Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, quản trị nhà nước, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân thông qua chuyển đổi số. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Tiếp tục thực hiện theo Đề án của Chính phủ

Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2023, trong đó đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện theo Đề án của Chính phủ vừa phê duyệt. Cụ thể sẽ rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số ở địa phương theo quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các sở, ban, ngành, bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị.

Tại UBND cấp huyện, bố trí bộ phận hoặc đầu mối thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tăng cường vai trò, nhiệm vụ và biên chế cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số tại địa phương. Tại UBND cấp xã, quan tâm và tăng cường thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của xã. UBND cấp xã bố trí cán bộ, công chức tham gia mạng lưới chuyển đổi số. Thiết lập và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới chuyển đổi số từ Trung ương đến cơ sở.

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh cũng đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Theo đó tỉnh sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về chuyển đổi số, phát huy vai trò của người đứng đầu… Hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, chỉ đạo tổ chức cụ thể hóa, triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình chuyển đổi số quốc gia và các cơ chế, chính sách của Trung ương về chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và các lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, chú trọng 9 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số là sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tài nguyên và môi trường, tài chính - ngân hàng, y tế, giáo dục và đào tạo, hành chính công. Đồng thời tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số, tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ trang thiết bị và giải pháp kỹ thuật để giám sát, cảnh báo sớm nguy cơ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các sự cố về an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Giữ lửa” nghề cốm tết
Trong mâm lễ dâng lên bàn thờ gia tiên trong ngày tết của người dân Bình Thuận không thể thiếu món cốm tết. Trải qua thời gian, nhiều người đã bỏ nghề nhưng giữa lòng TP. Phan Thiết có bà Đỗ Thị Loan ở khu phố 3, phường Xuân An (TP. Phan Thiết) là một trong những gia đình hiếm hoi còn giữ nghề truyền thống làm cốm tết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số