Tại Phan Thiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức hội thảo “Kêu gọi nộp đề xuất kinh doanh - mô hình kinh doanh hướng đến người thu nhập thấp thông minh với biến đổi khí hậu và có trách nhiệm giới”. Đây là dịp để các tổ hợp tác, hợp tác xã, các tổ chức kinh doanh sản xuất thanh long, lúa trên địa bàn của huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam tham dự, tìm hiểu. Qua đó nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo có sự tham gia của người có thu nhập thấp chú trọng vấn đề giới.
Theo đó, các đề xuất kinh doanh được lựa chọn sẽ được SNV hỗ trợ tài chính không hoàn lại lên tới 49%, từ 50 triệu đồng, nhưng không quá 550 triệu đồng trong tổng vốn đầu tư. SNV được xem là một trong các đơn vị tiên phong trong việc tiếp cận và phát triển các giải pháp kinh doanh cùng người thu nhập thấp chú trọng vấn đề giới. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác đăng ký tham gia xét duyệt phải đáp ứng một số tiêu chí phù hợp, như hoạt động ít nhất 1 năm tại 1 trong 4 địa phương nêu trên; hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các chuỗi giá trị đặc thù được lựa chọn tại từng địa phương, bao gồm lúa gạo, khoai lang, nấm, dừa, lạc, nho, măng tây, thanh long và mủ trôm. Đặc biệt, gói hỗ trợ không hoàn lại ưu tiên các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, đồng làm chủ hoặc lãnh đạo, hoặc mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ.
Bà Trần Tú Anh - Giám đốc dự án FLOW/EOWE cho biết: “Chúng tôi luôn chào đón, khuyến khích các ý tưởng kinh doanh sáng tạo, và cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để các doanh nghiệp địa phương đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sản xuất, mở rộng thị trường từ đó cải thiện đời sống của người thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ. Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời hy vọng sự thành công của chương trình hỗ trợ này tại 4 tỉnh sẽ tạo tiền đề cho việc nhân rộng và phát triển các ý tưởng kinh doanh sáng tạo ở các địa phương khác tại Việt Nam”.
Còn theo ông Phạm Hữu Thủ - Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp & PTNT Bình Thuận, thông qua hội thảo, các hợp tác xã sản xuất lúa, thanh long sẽ có cơ hội đề xuất kế hoạch kinh doanh thông qua hỗ trợ một phần tài chính của tổ chức SNV để đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm; phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng và thân thiện với môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh và sản xuất được bền vững. Dự kiến, SNV sẽ hoàn tất việc lựa chọn các doanh nghiệp và đề xuất kinh doanh vào cuối tháng 10/2017. Đồng thời tiến hành triển khai hoạt động tại địa phương ngay sau khi các bên ký kết hợp đồng.
Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV là tổ chức phát triển quốc tế, có trụ sở tại Hà Lan. SNV có lịch sử hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam và có uy tín trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo bền vững, bằng cách tiếp cận thị trường. SNV bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995 và cung cấp các dịch vụ tư vấn phát triển năng lực trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, nước sạch và vệ sinh môi trường; giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng. |
K.Hằng