Mức cho vay thực hiện theo Quyết định số 10/2024/QĐ-TTg ngày 15/7/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành. Đối tượng vay vốn là các hộ gia đình thường trú hoặc tạm trú tại vùng nông thôn (xã, thị trấn thuộc huyện và thị xã). Điều kiện vay vốn bao gồm cư trú tại địa phương thuộc vùng nông thôn chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình, hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa. NHCSXH thực hiện cho vay thông qua phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng cho mỗi loại công trình/hộ gia đình với lãi suất cho vay 9%/năm.
Toàn tỉnh có gần 238.000 lượt hộ vay vốn Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường.
Khách hàng có thể vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình, nhưng tổng dư nợ của mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa. Thời hạn cho vay do NHCSXH thỏa thuận với khách hàng, nhưng tối đa là 5 năm (60 tháng). NHCSXH cũng hướng dẫn cụ thể về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện.
Theo số liệu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, đang cho vay gần 238.000 lượt hộ, với bình quân mỗi hộ vay 12,4 triệu đồng để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, với tổng doanh số cho vay đạt 2.935 tỷ đồng. Tổng dư nợ của chương trình đạt 1.007 tỷ đồng, với 64.500 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 15,6 triệu đồng/hộ. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức vay Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường từ 10 triệu đồng/công trình lên 25 triệu đồng/công trình đáp ứng nguyện vọng của người dân và phù hợp với thực tế giá cả, chi phí đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.