Dinh vạn thiết chế tín ngưỡng dân gian thường thấy ở các vùng biển, nhưng lại có đình thờ Tiền hiền – Hậu tổ theo tập tục thờ Thành hoàng bổn cảnh của người dân vùng nông thôn. Tại khuôn viên điện thờ thần Nam Hải, trước khám thờ có tẩm thờ hơn một trăm bộ ngọc cốt cá Ông được lưu giữ từ nhiều đời, trong đó có bộ xương lớn cá Ông có cách đây trên 200 năm. Mới đây nhất là vào đầu năm 2018 ngư dân Phước Lộc đã quy tập được hai bộ xương cá voi nặng khoảng 500 kg bị chôn vùi ở khu vực biển xã Tân Phước hơn 10 năm. Cứ vào dịp rằm tháng 6 âm lịch ngư dân làng chài Phước Lộc tổ chức lễ cầu ngư tại đây để tưởng nhớ, tôn thờ thần Nam Hải đã giúp ngư dân vượt qua bão tố, an toàn trên biển cả. Theo tín ngưỡng dân gian cá voi là vị thần phù hộ cho ngư dân, khi cá voi chết trôi dạt vào bờ ngư dân làng chài Phước Lộc tổ chức lễ tang long trọng và lập lăng thờ phụng rất tôn nghiêm. Đặc biệt là trong lễ hội cầu ngư có hoạt cảnh hò bã trạo là hình thức sân khấu hóa lại cảnh ngư dân ra biển, đây là hình thức múa hát tập thể được sắp xếp, tái hiện không gian ngư dân lao động cần cù trên biển cả… Cạnh bên dinh vạn là điện thờ Thành hoàng bổn cảnh, dù không có sắc phong của nhà vua, nhưng trong tín ngưỡng của dân làng đó là những nhân thần vô danh có công mở đất, lập làng Phước Lộc xưa. Lão ngư Nguyễn Hiền, tuổi ngoài 70, ngụ tại phường Phước Lộc kể lại rằng: Đình và vạn Phước Lộc, sau này được phục dựng lại theo lối kiến trúc tứ trụ, trang trí họa tiết hình tượng lưỡng phụng tranh châu, câu đối, hoành phi chữ Hán Nôm, ghi nhớ công lao bậc Tiền hiền – Hậu tổ đã mở đất lập làng. Trong chiến tranh chống Mỹ, đình – vạn Phước Lộc bị tàn phá nặng nề, nhưng sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, đình - vạn Phước Lộc được người dân địa phương tôn tạo, bảo dưỡng. Với ý nghĩa về lịch sử, văn hóa lâu đời của đình – vạn Phước Lộc, đầu năm 1993 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với đình - vạn Phước Lộc, thị xã La Gi. Song, qua thời gian, giờ đây nhiều hạng mục công trình đang xuống cấp, ảnh hưởng đến việc giữ gìn, bảo quản hiện vật, nơi thờ tự.
Với nét độc đáo và khác biệt của di tích đình - vạn Phước Lộc (vừa là đình vừa là vạn) nhiều lữ khách khi đến tham quan, nghĩ dưỡng tại La Gi đều ghé thắp hương các vị Tiền hiền – Hậu tổ (các vị thần có công bảo vệ quốc gia và phù hộ cho dân) và chiêm ngưỡng, tìm hiểu kho tàng lưu giữ những bộ xương cá voi lâu đời nhất. Đặc biệt là ngư dân làng chài Phước Lộc và vùng lân cận trước khi ra khơi đánh bắt hải sản đều ghé qua vạn Phước Lộc thắp hương bái thần Nam Hải phù hộ vượt qua những biến cố trên biển và đánh bắt được nhiều hải sản.