Chính sách phá hoại của Mỹ đối với hệ thống kiểm soát vũ trang toàn cầu cũng như tham vọng vũ khí hóa không gian là lý do chính cho việc Ấn Độ thử tên lửa chống vệ tinh, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Nga đổ lỗi cho Mỹ khi Ấn Độ thử tên lửa chống vệ tinh. Ảnh: DRDO |
Sau khi Ấn Độ công bố đoạn băng thử vũ khí chống vệ tinh ngày 27/3, Nga đã bày tỏ lo ngại, đồng thời cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.
"Chúng tôi phải lưu ý rằng bước đi này ở nhiều phương diện là kết quả của tình hình xấu đi trong việc kiểm soát vũ trang. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng các hành động phá hoại của Mỹ đang làm tổn hại toàn bộ cấu trúc an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược", Bộ ngoại giao Nga khẳng định trong một tuyên bố ngày 28/3.
"Sự mở rộng phiến diện và không giới hạn" của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ cũng như "sự miễn cường từ bỏ kế hoạch triển khai các vũ khí không gian của Washington" đã khiến các quốc gia khác phô trương sức mạnh trong những lĩnh vực tương tự, phía Nga nhận định. Ngoài ra, các nhà ngoại giao Nga cũng thừa nhận các tuyên bố của Ấn Độ, rằng cuộc thử tên lửa vừa qua không phải là một thông điệp gửi đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào và New Delhi phản đối việc vũ khí hóa không gian.
Về phần mình, Moscow đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có các bước tiến và đưa ra một giải pháp có tính ràng buộc về mặt pháp lý để đảm bảo không gian không có vũ khí. Hiệp ước Không gian Vũ trụ 1967 đã cấm xây dựng các cơ sở lắp đặt quân sự và vũ khí có tính hủy diệt hàng loạt ngoài không gian.
Tuy nhiên, tài liệu này vẫn còn nhiều lỗ hổng khi nó không cấm việc triển khai các loại vũ khí thông thường trong không gian. Một dự thảo giữa Nga và Trung Quốc về một hiệp ước không gian mới được thảo luận cách đây 1 vài năm có lẽ là một nền tảng tốt để đưa ra một giải pháp toàn diện trong việc đảm bảo an toàn không gian, Bộ Ngoại giao Nga kết luận, đồng thời kêu gọi Ấn Độ tham gia vào những nỗ lực này cùng với Moscow và Bắc Kinh.
Kiều Anh/VOV