Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong, mỹ tục”. Đây là mục tiêu nhằm tăng cường công tác quản lý, cũng như phát huy vai trò báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta.
Sai tôn chỉ mục đích
Tính tới cuối năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (báo in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình, hơn 40.000 người công tác trong cơ quan báo chí, với trên 17.000 người được cấp thẻ nhà báo. Có thể nói với lượng cơ quan báo chí và đông đảo đội ngũ người làm báo, đã góp phần làm sinh động và phong phú các sản phẩm, tác phẩm đến tay người đọc. Điều này cũng góp phần chuyển tải các chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên thời gian gần đây, không ít cơ quan báo chí và nhà báo, phóng viên đã lợi dụng hoạt động báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động của tờ báo được cấp phép để trục lợi cá nhân. Một trong những hành vi đó là việc không ít tờ báo, tạp chí điện tử đã cử phóng viên đi viết bài điều tra, chống tiêu cực ở mọi lĩnh vực, theo kiểu vạch lá tìm sâu, có hành vi vòi vĩnh, thậm chí dọa dẫm để xin hợp đồng tài trợ, quảng cáo. Dù những nội dung ấy không nằm trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của tờ báo. Những hành vi ấy được cho là dấu hiệu của việc “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí, dẫn đến gây mất niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp vào uy tín của báo chí nói chung.
Tại Bình Thuận, ngoài Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận thì hiện cũng có rất nhiều cơ quan, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú đăng ký hoạt động. Nhìn chung các văn phòng thường trú và phóng viên hoạt động trên địa bàn đều thực hiện và chấp hành tốt các quy định về hoạt động báo chí, không để xảy ra các sai phạm phải bị xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, thời gian qua tại một số sở, ban, ngành, địa phương cũng phản ánh một số phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo, tạp chí của Trung ương thường xuyên đến địa bàn tác nghiệp không đúng quy định: Tôn chỉ, mục đích; giấy giới thiệu không đảm bảo theo quy định (không phải người đứng đầu cơ quan báo ký mà văn phòng khu vực ký, thời gian hết hiệu lực...). Những dấu hiệu sai phạm này đã được Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Tăng cường quản lý, chấn chỉnh
Có thể nói, trong tiến trình phát triển, đổi mới của đất nước nói chung, của Bình Thuận nói riêng, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò là cơ quan tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên trước sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin, một số cơ quan báo chí có xu hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận, đề cao giá trị vật chất, xa rời tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Để tránh sự “lệch hướng” trong hoạt động của các cơ quan báo chí, Trung ương và các ban, bộ chuyên ngành cũng đã tăng cường quản lý, chấn chỉnh. Riêng Bình Thuận, mới đây nhất ngày 5/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 115 - KH/TU về thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo quản lý, chủ quản báo chí, tính tự giác gương mẫu của mỗi người làm báo, để xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Theo kế hoạch này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng, kiên quyết kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan báo chí về vị trí vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm đúng nguyên tắc báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.
Bên cạnh đổi mới và nâng cao chất lượng phát ngôn, cung cấp thông tin đảm bảo tính kịp thời, thì kế hoạch cũng yêu cầu chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với người làm báo vi phạm đạo đức, kỷ luật, cũng như kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động báo chí.
Kế hoạch cũng đề nghị các cơ quan báo chí tỉnh nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, không để xảy ra tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thổi phồng hoặc khoét sâu yếu kém, khuyết điểm mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền các nhân tố mới cách làm hay, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Quan tâm tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, thành tựu phát triển của đất nước, của tỉnh. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch tiêu cực. Dành nhiều thời lượng, mở các chuyên mục phản ánh những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề nhân dân quan tâm, những tấm gương tiêu biểu ở cơ sở, để động viên khích lệ phong trào thi đua yêu nước…
Có thể nói cùng với các quy định đã ban hành trong hoạt động báo chí, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kế hoạch về thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh, là hết sức cần thiết, trước bối cảnh bùng nổ mạng xã hội hiện nay, dẫn đến các cơ quan báo chí dễ hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích.