Theo dõi trên

Ngành Giáo dục: Khó khăn giáo viên, máy móc và thiết bị

07/09/2022, 10:38

1. Những ngày đầu tháng 9, hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều đã đầu tư xây dựng, sửa chữa trường lớp xong cũng như trang hoàng lớp học, phát dọn cây cối xung quanh sẵn sàng đón học sinh vào năm học 2022- 2023.

dsc_2144.jpg

Nhiều nơi đã tổ chức sửa chữa trường lớp sớm trong hè với kinh phí nhiều hơn mọi năm như Đức Linh năm học này chi đến 10 tỷ đồng cho sửa chữa, trong khi năm ngoái chỉ 3 tỷ đồng…Thế nhưng, nhiều trường ở các cấp học vẫn còn đang bị thiếu máy móc, trang thiết bị chuyên dùng trong giảng dạy. Như Hàm Thuận Bắc, báo cáo của UBND huyện cho thấy, cấp tiểu học, cụ thể là lớp 1, 2, 3 đang thiếu các thiết bị giảng dạy vì Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chưa được trang bị. Trường nào tận dụng được các thiết bị cũ có thể sử dụng được thì phải tạm sử dụng.Trong khi đó, đối với cấp THCS, ngoài khối lớp 6, 7 thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiện chưa được trang bị thì khối 8,9 có một số phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ còn thiếu trang thiết bị dạy học. Còn ở huyện Tuy Phong, cũng ở trạng thái thiếu máy móc, trang thiết bị chuyên dùng cho giáo dục từ năm trước nên ngay từ tháng 6/2022, khi mùa hè mới bắt đầu, UBND huyện Tuy Phong đã có công văn gửi Sở Tài chính xin chủ trương mua sắm máy móc, trang thiết bị cho ngành giáo dục huyện. Đến cuối tháng 8/2022, Sở Tài chính có ý kiến để thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường theo đúng quy định, Sở Tài chính đề nghị UBND huyện Tuy Phong làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các quy định theo Thông tư số 16/2019/TT-BGDĐT ngày 4/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trước khi gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh.

Và theo quy định, UBND tỉnh sẽ trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để thông qua thì lúc ấy, các trường mới được trang bị máy móc, thiết bị cho dạy và học. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện các thủ tục theo Thông tư 16.

2. Bên cạnh thiếu máy móc, trang thiết bị chuyên dùng, các cấp học trong tỉnh hiện đang thiếu giáo viên cục bộ, dù tính chung là không thiếu, thậm chí là dư. Như tại Đức Linh, cấp tiểu học đang thiếu 20 giáo viên, còn cấp THCS thì rơi vào tình trạng thừa, thiếu cục bộ theo từng môn như thiếu giáo viên Toán nhưng lại thừa giáo viên Anh văn... Tương tự, tại Hàm Thuận Bắc, trong khi cấp tiểu học chỉ thiếu 20 giáo viên thì cấp THCS phức tạp hơn khi đội ngũ giảng dạy thừa, thiếu cục bộ, không đảm bảo về bộ môn ở một số trường. Cụ thể, bộ môn còn thiếu là Văn, Tin, Sinh nhưng thừa là Lịch Sử, Thể dục… Bên cạnh, một số trường bố trí còn thừa, thiếu giáo viên bộ môn, như Đa Mi thừa Toán nhưng Hàm Phú, Hàm Trí lại thiếu Toán; La Dạ thừa Lý nhưng Đa Mi thiếu Lý; Hàm Phú thừa GDCD, còn Hồng Liêm lại thiếu; Hàm Thắng thừa Tiếng Anh, trong khi Thuận Hòa, Thuận Minh, Hồng Sơn thiếu Tiếng Anh; Hồng Sơn thừa Địa lý, còn Hồng Liêm thiếu Địa lý.

Trong khi đó, tình hình tại huyện Tuy Phong cũng thiếu giáo viên. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Dương Hồng Sơn cho biết, trong cuộc họp giao ban với các đơn vị trường, các phòng ban có liên quan về tình hình, công tác chuẩn bị lễ khai giảng và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 cách đây vài ngày, cho thấy đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học còn thiếu, nhất là bậc tiểu học đang thiếu 70 giáo viên. Còn nhân sự chủ chốt một số trường học chưa được bổ sung, củng cố kịp thời, do thiếu một số chứng chỉ, bằng cấp theo quy định. Hiện phòng nội vụ và các trường học trên địa bàn đang ráo riết thực hiện các giải pháp để bảo đảm cho năm học mới.

Không chỉ 3 huyện trên, các huyện, thị, thành phố khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chỉ khác mức độ nhiều hay ít. Nguyên nhân, tùy theo từng địa phương mà có lý do dẫn đến thiếu, thừa giáo viên khác nhau. Nhưng chung quy xoay quanh các nguyên nhân của thiếu như nguồn giáo viên tiểu học ít nên một số huyện không tuyển đủ lượng hàng năm; giáo viên đến tuổi nghỉ hưu hay giáo viên không đủ chuẩn theo Nghị định 108 hoặc các giáo viên nghỉ dạy làm việc khác… Tất cả đã khiến cấp huyện không xoay xở kịp, vì chưa có nguồn thay thế. Hiện tại phòng nội vụ của các huyện, thị, thành phố đang tuyển hợp đồng giáo viên, điều chuyển giáo viên một cách hợp lý. Còn các trường học chủ động sắp xếp, phân công cán bộ quản lý, giáo viên hiện có của đơn vị đảm nhận các công việc để chuẩn bị năm học 2022 – 2023. Song song đó, hiệu trưởng các trường vận động, động viên giáo viên đồng thuận với việc phân công của tổ chức khi được điều động, thuyên chuyển công tác về đơn vị khác.

HẢO CHI


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Thuận Bắc tập trung giải quyết thừa, thiếu giáo viên cho năm học mới
BTO- Còn 2 tuần nữa, năm học 2017 – 2018 sẽ bắt đầu. Nhiều địa phương đang gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị như xây dựng, sửa chữa trường lớp, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên... để chuẩn bị cho năm học mới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành Giáo dục: Khó khăn giáo viên, máy móc và thiết bị