Đến 31/12/2022, nguồn vốn huy động đạt 52.742,6 tỷ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2021, giảm 11,69% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 79.869,7 tỷ đồng, tăng 7,65% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng dư nợ cho khu vực thương mại, dịch vụ, nông lâm, thủy sản phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế của địa phương. Vốn tín dụng được tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm khoảng 73,55% tổng dư nợ), lĩnh vực ưu tiên và gắn với việc thực hiện các chính sách của ngành, địa phương, góp phần khai thác thế mạnh, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 42.601,7 tỷ đồng, tăng 7,22% so với cuối năm 2021, chiếm 53,34% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.827 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cuối năm 2021, chiếm 21,1% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu 530,8 tỷ đồng, giảm 6,8% so với cuối năm 2021, chiếm 0,66% tổng dư nợ…
Tại buổi tổng kết, nhiều chi nhánh ngân hàng phản ánh tình hình khó khăn khi hạn mức room tín dụng bị hạn chế, một số quy định gây khó khăn khi triển khai cho vay theo Nghị định 31…Ông Bùi Xuân Chỉnh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận ghi nhận những ý kiến đóng góp của các tổ chức tín dụng để chuyển cấp trên giải quyết. Đồng thời triển khai nhiệm vụ năm 2023: Tổ chức triển khai chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối trên địa bàn , thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Thống đốc quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Tăng cường quản lý hoạt động quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu mệnh giá tiền của các tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn kho quỹ đi đôi với việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát, xử lý vi phạm trong công tác an toàn kho quỹ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn…