Ngày hội gia đình văn hóa tiêu biểu được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đơn giản nhưng là điểm nhấn quan trọng trong việc xây dựng nên nền tảng “tế bào” của xã hội được vinh danh. Hạnh phúc của gia đình không bắt nguồn từ những điều to lớn, quan trọng ở đó có sự thấu hiểu, sẻ chia để bắt đầu cho hành trình dài của gia đình nhỏ.
Thông điệp của ngày hội gia đình văn hóa tiêu năm nay, đơn giản “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Các hoạt động của ngày hội cũng mong muốn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa gia đình gắn với mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”, tăng cường triển khai hiệu quả Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới.
Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi với các phần thi “Gia đình tài năng, “Gia đình vui khỏe” và các hoạt động khác như triển lãm ảnh, giao lưu văn hóa… Ban Giám khảo và Tổ trọng tài đã chọn ra được các gia đình xuất sắc nhất đến từ 33 gia đình tiêu biểu đại diện cho 297.813 hộ gia đình văn hóa và cũng đại diện cho 10 huyện, thị xã, thành phố và các công đoàn ngành của Liên đoàn Lao động tỉnh. Có thể trong quá trình diễn ra, ở các phần thi đâu đó chúng ta nhìn thấy sự luống cuống, e ngại vì lần đầu tiên đến với chương trình, đến với việc ca hát, chơi thể thao tập thể, nhưng đó sẽ là chất kết dính cho mỗi thành viên thêm yêu thương và trân quý gia đình mình.
NSND Mai Kiên, nhìn nhận: Các gia đình tham gia Ngày hội năm nay đã hết sức nhiệt tình, có sự đầu tư công phu về trang phục, phụ đạo; các tiết mục mang màu sắc mới, khá đặc sắc. Thể hiện rõ được gia đình là môi trường quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nơi ươm mầm những tài năng, trí tuệ của thế hệ tương lai. Tuy nhiên, các tiết mục chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau, bố cục còn rời rạc; chưa khai thác kỹ và đi sâu về vấn đề “bạo lực gia đình”, chỉ mới khai thác ở bề nổi của vấn đề.
Dễ dàng nhìn thấy những cử chỉ bỡ ngỡ, những nụ cười ngại ngùng trên sân khấu, những lời ca tiếng hát, điệu múa vẫn chưa thật sự quen thuộc với họ. Nhưng, vì yêu gia đình, vì hạnh phúc dài lâu họ đã cố gắng thật nhiều. Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Ban Tổ chức cũng đã chọn lựa được 3 gia đình văn hóa tiêu biểu đến từ huyện Hàm Thuận Bắc, hội đủ điều kiện đại diện cho tỉnh nhà để tham dự Ngày hội gia đình các tỉnh miền Đông Nam Bộ lần thứ XII năm 2023 vào ngày 21 - 23/6 tại tỉnh Tây Ninh và Ngày hội gia đình tiêu biểu các tỉnh miền Đông Nam Bộ lần thứ XIII do Bình Thuận đăng cai vào năm 2024.
Vợ chồng anh Đặng Văn Lẹ (sinh năm 1983) và chị Thông Thị Vui (sinh năm 1985) cùng hai con là Đặng Giang Sơn (sinh năm 2010) và Đặng Thị Giang Thanh (sinh năm 2017); ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, là giáo viên nên luôn xác định gia đình chính là tế bào của xã hội, gia đình có tốt, thì mới xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Những năm qua, anh Lẹ, chị Vui đã cùng nhau giáo dục con, cháu trong gia đình, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sống đoàn kết, chan hòa với bà con lối xóm và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình ngày càng ổn định, bền vững; đó chính là cái cốt cách, xây dựng nên cái nền móng của một gia đình văn hóa tiêu biểu.
Đơn giản là người nông dân chất phác, gia đình anh Thông Minh Giặt (sinh năm 1990) và vợ Thông Thị Kiều (sinh năm 1989) nhưng lại sống mẫu mực, tham gia tích cực trong mọi hoạt động xã hội. Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” thời gian qua, gia đình anh Giặt, chị Kiều ý thức được rằng "Muốn xây dựng thôn đạt chuẩn văn hóa, trước tiên phải xây dựng gia đình văn hóa và muốn xây dựng gia đình đạt chuẩn văn hóa thì phải thực hiện đạt được các tiêu chí đó là không vi phạm pháp luật; cảnh quan môi trường phải xanh, sạch, đẹp, kinh tế ổn định, tạo điều kiện con cái ăn học đến nơi đến chốn…. Mặc dù công việc đồng áng bận rộn nhưng vợ chồng anh chị luôn sắp xếp thời gian để chăm sóc cha mẹ già và dạy dỗ các con nên người. Hai con tên Thông Thị Lệ Quyên (sinh năm 2011) và Thông Thị Ánh Huyền (sinh năm 2016), hai con đều ngoan hiền, học giỏi.
Gia đình anh Thông Kim Lóc (sinh năm 1990) và vợ Thông Thị Hạnh (sinh năm 1989) cũng vậy, họ đã nuôi dạy hai con là Thông Châu Ha Ni (sinh năm 2011) và Thông Hoàng Thiên Minh (sinh năm 2016) chăm ngoan, học giỏi. Gia đình luôn hòa thuận, ấm êm, vợ, chồng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, các con đều đạt học sinh giỏi nhiều năm liền. Bên cạnh đó, gia đình anh chị có lối sống giản dị, chan hòa tương trợ, giúp đỡ hàng xóm láng giềng gặp khó khăn nên được mọi người tin yêu.
Việc tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhằm tôn vinh và biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, tạo điều kiện để các gia đình các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có dịp gặp gỡ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng gia đình hạnh phúc, giới thiệu nét văn hóa gia đình đặc thù của từng địa phương, góp phần tăng cường tình đoàn kết thân thiện giữa các gia đình trong tỉnh.
Kết quả toàn đoàn: Đơn vị thị xã La Gi đạt giải Nhất, huyện Hàm Thuận Bắc giải nhì và Phú Quý đạt giải ba.