Gia đình là nơi hiện hữu và hài hòa các mối quan hệ vợ chồng, con cháu, ông bà… liên kết với nhau bằng tình cảm và huyết thống. Nơi ấy mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, lòng kính trọng và đức hy sinh.
Sự giao tiếp giữa vợ và chồng đôi khi đơn giản chỉ là chào hỏi nhau bằng những cử chỉ, lời nói thân mật, điện thoại nhắn tin cho nhau mỗi khi đi công tác xa, tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, tặng hoa, tặng quà cho nhau… là đã biểu lộ quan tâm, sự yêu thương và vun đắp tình cảm. Sự sẻ chia trong sinh hoạt gia đình, trong đời sống vợ chồng không cứ gì phải to tát. Nó nảy nở giao tiếp qua lại bình dị trong bữa ăn, giấc ngủ, trong lời ăn tiếng nói. Chia sẻ công việc gia đình để gắn kết tình vợ chồng. Chia sẻ gánh nặng áp lực trong công việc sẽ làm cho người thân, bạn đời thoải mái hơn.
Ông Lê Ngọc Tuấn và bà Lê Thị Mỹ - năm nay đã ngoài 60 tuổi, một gia đình hạnh phúc tiêu biểu ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, chia sẻ: Cuộc sống gia đình không thể tránh khỏi những lúc cãi vã, nóng giận, nhưng các cụ đã dạy “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” hay “Chồng giận thì vợ bớt lời/Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê”. Do đó, khi vợ chồng bất đồng quan điểm mỗi người nên kiềm chế cái tôi của mình. Không nên khăng khăng cho rằng mình đúng và quyết bảo vệ đến cùng. Điều này dễ gây mâu thuẫn, xung đột dẫn đến sự rạn nứt tình cảm và dần dần tan vỡ gia đình. Khi không cùng quan điểm, vợ chồng tìm cách nói chuyện được với nhau một cách cởi mở, chân thành trên tinh thần xây dựng, học cách ứng xử khéo léo, tế nhị. Mỗi người hãy cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thông cảm và thấu hiểu.
Vợ chồng ông bà vẫn thường nhắc 5 người con rằng, vợ chồng phải biết thương kính, nhường nhịn nhau, rộng lượng, tha thứ và bỏ qua lỗi lầm của nhau mỗi khi ai vi phạm sai lầm, sơ suất. Chính lòng nhân ái, vị tha sẽ giúp mỗi người giảm được sự căng thẳng, tức giận, bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, phân biệt đúng, sai và cùng nhau sửa lỗi.
Còn với quan niệm phụ nữ là người “tề gia nội trợ”, trong xã hội hiện nay đã dần thay đổi. Bởi phụ nữ hiện cũng làm việc như nam giới. Họ công tác, lao động, bươn chải kiếm tiền, gánh vác công việc xã hội, sinh đẻ, nuôi dạy con cái nên không có lý do gì để cho rằng việc nhà chỉ dành cho người vợ, người mẹ trong gia đình.
Anh Nguyễn Thanh Quang và chị Trần Thị Bích Linh – gia đình trẻ hạnh phúc ở phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết nêu quan điểm: “Khi đã chung sống dưới một mái nhà thì cả vợ, chồng đều có trách nhiệm vun vén gia đình, không phân biệt việc của người này hay của người kia. Với gia đình tôi, người nào về trước sẽ phụ làm công việc của người kia và cùng có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các con về nhân cách sống, học tập. Mỗi khi có những chuyện không vừa ý, vợ chồng ngồi lại nói chuyện với nhau để giải quyết. Từ chuyện lớn hóa nhỏ, rồi chuyện nhỏ hóa không có gì, để gìn giữ sự ấm êm trong gia đình”.
Yêu thương và chia sẻ từ việc nhỏ nhất trong gia đình, cùng nhau làm những việc đời thường như thế gia đình sẽ hạnh phúc hơn, đồng thời giúp các thành viên có thêm kỹ năng trong ứng xử với nhau. Mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhau thắp sáng ngọn lửa yêu thương, sẻ chia, tôn trọng và bình đẳng để mái ấm gia đình luôn ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc.