Theo dõi trên

Nghề nuôi cào cào cốm

14/04/2023, 05:51

Trong khu phố Lập Hòa, thị trấn Thuận Nam có khu vườn chuyên nuôi cào cào cốm. Đây là loại thức ăn giúp chim không chỉ nhanh lớn, cứng cáp mà còn hót hay hơn. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho chim cảnh, một thú chơi đang phát triển, anh Huỳnh Quốc Công đã đầu tư lập nên khu vườn này từ năm 2020 đến nay.

Khu vườn gồm hơn 40 nhà lồng được làm bài bản, mỗi nhà lồng có diện tích nền 20 mét vuông. Khoảng một mẫu đất chung quanh xanh mướt những luống cỏ sữa và cỏ voi không lông. Anh Huỳnh Quốc Công cho biết: Tại sao chuồng nuôi cào cào phải là nhà lồng bài bản? Vì nuôi cào cào còn khó hơn cả nuôi heo đẻ, các khâu trong nhà lồng đều phải xử lý rất kỹ, không thì sẽ công cốc ngay. Nền chuồng rải một lớp đất mỏng đã được diệt hết các loại trứng kiến và trứng côn trùng khác trước khi xạ lúa. Mái chuồng phủ kín từ trên xuống dưới bằng lưới Thái mắt khít, các góc khe hở bít bằng keo silicon. Lối vào ra phải được đóng kỹ bằng dây fermeture. Nguồn nước tưới cho lúa và cỏ trong chuồng không chỉ bảo đảm quanh năm mà còn phải được xử lý tốt, do cào cào hút nước trên thân lúa, thân cỏ chớ không uống khay, uống máng được. Ngoài ra, phải tính sao cho chuồng nuôi cách ly với cánh đồng, phải “né” được những cơn gió mang hơi thuốc trừ sâu.

z4257348637732_2b040f21305544eb4f5c804b6fa4167a.jpg

Anh Công vừa dẫn tôi tham quan khu vườn vừa kể: Từ một buổi “cà phê chim”, (một kiểu hội quán dành cho những người thích nuôi chim, người ta đem chim đến quán móc lồng chim chung quanh và vừa nghe chim hót vừa uống cà phê), nhận ra nhu cầu thức ăn cho chim cảnh rất lớn, anh đã nảy ra ý định nuôi cào cào, một nghề phải nói là độc lạ, ít ai nghĩ tới.

Thời gian đầu, anh tự mày mò làm các chuồng lưới nhỏ rồi ngày ngày dùng vợt lưới bắt cào cào về nuôi. Cũng có một số anh em nuôi chim ủng hộ tìm đến mua nhưng cách làm nhỏ lẻ đó mang lại nguồn thu nhập quá thấp, không bù cho công sức.   Sau, anh tìm tòi và biết đến một công ty lớn chuyên nuôi, tư vấn kỹ thuật và cung cấp trứng giống. Anh đã quyết tâm liên lạc và đã được chuyển giao kỹ thuật và nguồn giống tốt nhất, cũng như được bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn cho thị trường mở rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước, lớn hơn, khó tính hơn, (cào cào thương phẩm xuất đi phải đạt màu xanh cốm chuẩn mực và đúng độ lớn quy định gọi là cào cào cốm). Trên thị trường thức ăn chim cảnh, riêng cào cào đã có hàng chục thương phẩm: Cám cào cào, cào cào khô, cào cào già, cào cào ngang, cào cào non trung… nhưng anh Công chỉ chọn nuôi cào cào cốm, tức là thời điểm cào cào trưởng thành vừa phải nhưng chưa mọc cánh.

Anh Huỳnh Quốc Công là một người đàn ông hiền lành, điềm đạm, anh chậm rãi dẫn tôi đến một “nhà lồng” có số cào cào non vừa nở. Anh giải thích: Trong thùng có cát ẩm, phải rải trứng đều lên mặt cát, phủ một lớp thật mỏng vừa đủ che mặt trứng. Mỗi ngày đều phun sương một lần và dùng khăn ẩm che thùng trứng lại. Khoảng 15 đến 18 ngày thì trứng nở. Cào cào non mới nở đầu tiên sẽ đào đường hầm để chui lên mặt đất, và các con non còn lại theo sau. Phải chuẩn bị cỏ non kịp thời cho cào cào mới nở ăn, mỗi ngày thay cỏ một lần, cỏ phải được phun sương vừa đủ ướt để cào cào hút uống…

Anh Công kể mình đã thường xuyên trải qua nhiều đêm thức trắng vì cái nghề khó nhọc này nhưng vì yêu thích nên rồi cũng vượt qua được. “Chú cứ hình dung một người lẳng lặng suốt đêm đội đèn đi soi từ nhà lồng này đến nhà lồng kia, không một tiếng nói nào, đó là người nuôi cào cào”, anh vừa cười vừa nói như thế.

Vui miệng tôi hỏi anh: Gọi tên đúng là cào cào hay châu chấu? Anh giải thích: Thông thường người ta phân biệt các loài bằng hai tên gọi là châu chấu và cào cào tùy theo hình dáng bề ngoài của phần đầu là bằng hay nhọn, trong đó một số vùng gọi các loài đầu bằng là châu chấu và các loài đầu nhọn là cào cào trong khi ở một số vùng khác thì ngược lại. Theo tôi, đầu nhọn hay đầu bằng không phải là một đặc điểm phân loại.

Cũng vui miệng, tôi hỏi về thu nhập cụ thể của khu vườn khởi nghiệp. Anh chỉ cho biết mỗi ngày khu vườn của anh xuất khoảng 300 gói (mỗi gói khoảng 20- 30 con) nhưng không cho biết giá. Anh xuất thẳng cào cào cốm cho tổng đại lý. Tham khảo từ một người bạn ở khu chợ côn trùng (ngã ba Trường Chinh - Chế Lan Viên, quận Tân Bình) tôi được biết giá mỗi kg cào cào tại thành phố Hồ Chí Minh khoảng 170.000 - 210.000 đồng, tùy vào thời điểm. Như vậy nếu tính thấp hơn một chút thì thu nhập của khu vườn khởi nghiệp này cũng đã là khá cao.

Chia tay anh Huỳnh Quốc Công, tôi chúc anh ngày càng đầu tư khuếch trương số chuồng nuôi nhiều hơn! Anh cũng thật tình vui vẻ sẻ chia ước mơ của mình: Nếu có nhiều tiền em sẽ đầu tư 40 chuồng nữa, tức mở rộng gấp đôi. Vâng, tại sao không! Người trẻ ngày nay luôn có những kiểu khởi nghiệp táo bạo và lòng đầy ánh sáng ước mơ.

NGUYỄN TÂN HẢI


(3) Bình luận
Bài liên quan
Món ngon đúng độ
Những loại trái cây, những món ăn của quê hương với đúng chất của nó, luôn đem lại những cảm giác thú vị, hấp dẫn đối với người dùng.
Đọc tiếp
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề nuôi cào cào cốm