"53 năm với giày"
Ông tên thật là Lê Văn Thành nhưng chòm xóm quen gọi với cái tên “cu Long” khi còn nhỏ. Thằng “cu Long” 16 tuổi đã “dính” với nghiệp giày. Khi đó, ở Phan Thiết có tiệm giày khá nổi tiếng đó là Chí Thành. Và cũng chính từ tiệm giày này đã từng đào tạo ra biết bao lớp thợ lành nghề.
Phải nói thêm thời điểm đó, xu hướng người ta ưa chuộng giày dép da đóng. Nghĩa là khách tới tiệm chọn kiểu và được “đo ni đóng giày”, giá thành cũng khá nhỉnh hơn hàng chợ vì là chất liệu thật, da thật và bền bỉ. Nhưng cái gì cũng có một thời, khi ngành công nghiệp giày da phát triển người ta quen dần với việc mua giày dép bán sẵn. Chẳng còn ai bận tâm nhiều đến việc đi đóng giày. Những người thợ giày mất dần nghề theo thời gian.
Ông Thành kể: 16 tuổi đã lăn lộn trong tiệm giày Chí Thành, mà nếu đúng là thời ông nội của tiệm này. Học nghề và trở thành thợ. Hồi đó làm có ăn lắm, làm không kịp vừa đóng bán sẵn vừa làm cho khách. Khi ông Thành trở thành thợ giỏi, ông được giao trách nhiệm hướng dẫn cho người con rể của chủ mở tiệm ở Phan Rí, nhưng cám cảnh việc người ta có ỷ lại chẳng chuyên tâm, tiệm mất khách, rồi đóng cửa ông về lại Phan Thiết an phận.
Ngày ngày tự mua nguyên vật liệu đóng giày bỏ mối, nhận sửa giày cho khách kiếm sống nuôi vợ con. Ông cũng muốn mình chủ động, ban đầu vợ chồng ông bỏ mối cho các chợ vùng ven, nhưng khách hàng cứ gối đầu mãi thâm vốn. Ông dẹp luôn từ đó.
Căn nhà nhỏ ở 26 đường Cao Hành trở thành điểm sửa giày cho bất cứ ai. Kiểu gì ông cũng nhận làm. Dán, may, lót đế, thay đế đánh bóng... ngày ngày sống an phận. Lặng lẽ góp từng đường may tinh tế, dán lại những đôi dép, đôi giày hở đế, bung keo. Phía trước nhà, hàng ba vài mét vuông, la liệt những đôi giày hàng ngày khách mang tới. Đủ loại, đủ kiểu, từ giày khiêu vũ, giày đá bóng, giày tây hay thể thao. Theo yêu cầu của khách, mỗi ngày kiếm tiền chợ, gạo cá nuôi vợ con.
“Giờ làm ít lắm, chú cũng bệnh nhiều quá, trước bà xã thì may phụ. Bà chỉ may giày đá bóng, giày thể thao thôi. Chứ mấy cái khác chú làm. Mệt thì nghỉ. Ngồi lâu cũng không nổi” - ông Thành bộc bạch.
Tôi lấy máy, chụp hình, ông Thành có vẻ khiêm tốn: “Trước cũng có ai đó đòi tới quay, chú không cho vì nghĩ mình lấm lem, cực khổ hay ho gì mà quay. Mất công người ta nói than nghèo, kể khổ”. Tôi mời điếu thuốc, ông cười, nói tiếp câu chuyện: “Hai đứa con cái đâu đứa nào theo được đâu, trước thằng con trai cũng phụ nhưng được thời gian nó không làm nổi, kêu đau lưng. Rồi đi xin làm trong sân golf. Giờ hai vợ chồng chắt mót vậy đó”. Cuộc trò chuyện bị gián đoạn, khi vợ ông Thành từ nhà đi ra: “Có ai tới thì kêu nha ông Long”. Thấy lạ, tôi bất chợt hỏi: Chú tên Long hay tên như cửa tiệm? - À, tên Long là do từ nhỏ ở đây bà con hay gọi “cu Long” rồi quen, chứ tên thật là Thành. Cái bảng hiệu Thành Trung là tên ông với người con trai. Treo lơ lửng trên góc nhà, nhiều lớp bụi phủ. Giờ chẳng còn khả năng đóng giày mới để bán. “Tới đâu hay tới đó, kiếm mấy bữa chợ. Chứ mong gì, tuổi này!?
Gà trống nuôi con
Con đường Nguyễn Huệ chỉ đoạn ngắn. Sầm uất nhưng ở đó có nhiều con người đang ẩn mình mưu sinh. Anh Cường, 55 tuổi. Dáng người thấp đậm. Mỗi ngày ai đi ngang qua đoạn đường này đều nhìn thấy anh, ngồi thu lu một góc, cạnh cột điện. Đồ nghề của anh Cường là cái tủ gỗ nhỏ bé. Vài hũ keo, kéo cắt, lẹm may. Vậy mà theo anh ngót nghét 30 năm nay.
Anh Cường bảo: “Ngày đắt thì cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, ế thì cũng trăm mấy. Làm cho dân lao động không à, bà con trong xóm cũng có, khách vãng lai cũng có. Vậy thôi đủ sống nuôi đứa con trai đang học đại học năm thứ 2, đứa lớn lập gia đình rồi, nên giờ cha con chắt chiu”. Vợ anh Cường bỏ đi sau khi đứa con trai đầy 2 tuổi, không lý do. Một mình anh cáng đáng nuôi 2 đứa con. Sống tạm trong căn nhà nhỏ ở phường Đức Long, chẳng biết bị dời đi khi nào. “Làm khách quen là chính, vì nhiều người là khách từ rất lâu rồi, sửa giày dép cho con họ cũng mang ra gởi anh, vậy mà vui” – anh Cường cười hiền lành.
Giữa phố xá, giữa sự ồn ào của đường phố. Góc đường này, đã gắn bó với anh Cường ở đất Phan Thiết 30 năm, từ khi hai mấy tuổi đã ra đây lập nghiệp tại tiệm giày Chí Thành. Rồi cũng như nhiều người thợ khác, khi nghề không còn được ưa chuộng. Anh dùng nghề như cứu cánh mưu sinh. Ngày qua ngày thiếu hụt dần rồi người ta cũng biết địa điểm, mang đến cho anh sửa. Có ngày nào vô mánh được cả triệu đồng không? - anh Cường: “Làm gì có, 200.000 - 300.000 đồng là mừng rồi. Đánh xi, dán keo thì 30.000 đồng, dán đế, dán lót bên trong thì 50.000 đồng. Có nhiều khách là vui. Anh bảo nhiều người khổ, có đôi giày mà hư nát vẫn mang đến nhờ sửa, vì họ mua mới cũng vài trăm ngàn đồng rồi, ít đâu”.
Cuộc trò chuyện bị gián đoạn khi một cô khách mang đến đôi giày cho anh cằn nhằn: “Qua giờ tới 2 lần thấy đồ mà không thấy người nha. Đi đâu mà đi suốt”. “Chắc em đi ăn cơm” - anh Cường bảo thế. Đôi này dán gì nữa, mua mới cho rồi. Cô khách bảo: Dán giùm chị đi đỡ, khi nào có tiền thì mua”.
Cuộc trò chuyện tiếp tục bị gián đoạn, bởi lực lượng cảnh sát trật tự, tuần tra. Nhiều người nhốn nháo, trong đó có anh Cường. Câu nói của chú Thành, thỉnh thoảng khiến người nghe, ray rứt. “Nghề sửa giày giờ chẳng còn hợp thời nữa. Người khá giả thì mua giày đắt tiền, người lao động mua hàng ở chợ, hư thì bỏ chứ ít ai đi sửa lắm”.
Sót lại ở những nơi như anh Cường, chú Thành là những người lao động nghèo chắt mót, tiết kiệm vá lại những vết rách. Nghề sửa giày, bây giờ như một cách làm đẹp cho cuộc đời, vun vén cho những bước chân của những con người mà đâu đó họ cùng giống nhau hoàn cảnh.