Sôi động những ngày mở biển
Từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, những tàu thuyền công suất nhỏ, thúng chai đã lác đác xuất hành trở lại, đánh bắt gần bờ. Đến ngày mùng 9 tết, được ngư dân xem là ngày tốt cộng với thời tiết thuận lợi hơn, nhiều tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt xa bờ rộn ràng xuất hành mở biển sau kỳ nghỉ tết dài ngày. Những ngày qua, không khí tại cảng cá Cồn Chà (Phan Thiết) đã nhộn nhịp và khẩn trương hơn. Từ sáng sớm, nhiều tàu cá đã cập cảng tranh thủ bốc dỡ hải sản lên bờ, một số tàu lớn thì khẩn trương chuyển nhiên liệu, vật tư, ngư cụ, nhu yếu phẩm lên tàu để vươn khơi bám biển dài ngày. Tại bến cá, nhiều lao động cùng xe đông lạnh sẵn sàng chở cá đi tiêu thụ.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Thanh (phường Đức Thắng), từ sau mùng 9 tết, trời bắt đầu êm, nhiều tàu khai thác xa bờ đã đồng loạt mở biển, xuất bến khai thác chuyến biển đầu năm. Tàu của ông Thanh hành nghề pha xúc chuyên đánh bắt cá cơm. Ông cho biết, ngày 9/2, tàu ông đã xuất hành đi chuyến biển đầu năm và đến sáng 10/2 đã đánh bắt được gần 1 tấn cá cơm, trừ hết chi phí, tàu của ông lời vài chục triệu đồng. Ông Thanh cho biết: “So với mọi năm, thông thường cá cơm xuất hiện nhiều bắt đầu từ tháng 4 – 10 âm lịch, nhưng năm nay luồng cá xuất hiện dày ngay từ tháng giêng nên ngư dân vô cùng phấn khởi. Xuất hành đầu năm mà được vậy chúng tôi mừng lắm, hy vọng sẽ được mùa như năm ngoái”.

Được biết, năm 2024, những tàu hành nghề pha xúc trên địa bàn tỉnh làm ăn khấm khá, hầu như tàu nào cũng có lời. Riêng tàu của ông Thanh đạt hơn 500 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2023. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lời hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Thanh chia sẻ thêm, cá cơm có sản lượng thất thường, do đó phải có kinh nghiệm “săn” được luồng cá thì tàu đó mới trúng mùa. Không riêng gì tàu đánh bắt cá cơm “săn lộc” đầu năm, những thuyền thúng đi về trong ngày cũng thu về kha khá với cá trích, nục, chỉ, bạc má… Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng giá hải sản những ngày đầu năm tăng, nên mỗi ngư dân cũng thu về tiền triệu mỗi ngày.

Hy vọng 1 năm thuận lợi
Tranh thủ những ngày biển êm, nhiều tàu thuyền đánh bắt dài ngày trên biển hành nghề vây rút chì, câu, giã… đã tranh thủ đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, nhu yếu phẩm ra quân chuyến biển đầu năm. Đang làm thủ tục xuất bến, ngư dân Nguyễn Xin (phường Đức Long) cho biết, chuyến biển này dự kiến chúng tôi đi 12 - 15 ngày, phí tổn gần 150 triệu đồng. Hy vọng, chuyến biển đầu tiên trong năm sẽ đầy ắp tôm cá. Đối với ngư dân, chuyến biển đầu năm rất quan trọng. Nếu ra khơi thuận lợi, khai thác hải sản đầy khoang thì cả năm gặp nhiều may mắn, vươn khơi thuận lợi.
Do nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, ngoài kinh nghiệm đánh bắt, nhiều ngư dân trong tỉnh đã chịu khó đầu tư thêm trang thiết bị hỗ trợ hiện đại, sắm máy dò ngang, máy định vị tầm xa, máy quét… hỗ trợ nắm bắt tình hình ngư trường chính xác hơn, thì khai thác mới đạt hiệu quả cao. Khi ra khơi, các ngư dân sẽ đi theo tổ, đội để hỗ trợ nhau khi tàu gặp sự cố trên biển cũng như thông tin khu vực cá xuất hiện dày để cùng nhau khai thác…
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1/2025, do ảnh hưởng của gió đông bắc nên vùng biển Bình Thuận có thời điểm xuất hiện sóng cao, gió thổi mạnh, biển động. Tuy nhiên nguồn lợi hải sản vẫn xuất hiện nhiều, tàu thuyền vẫn vươn khơi bám biển khai thác ổn định. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn. Được biết, trong năm 2024, sản lượng thủy sản các tàu cá khai thác đạt 239.600 tấn, vượt kế hoạch khiến ngư dân phấn khởi. Ngành thủy sản Bình Thuận cũng hy vọng năm 2025 sản lượng thủy sản khai thác tiếp tục vượt chỉ tiêu. Do đó, ngành khuyến khích ngư dân đầu tư công nghệ cao phát triển đội tàu khai thác xa bờ các loại hải sản có giá trị cao làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; tăng cường các ngành nghề đánh bắt thân thiện môi trường, giảm những nghề khai thác gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh đó, ngành tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại, giảm cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).