Con đường đi lại trên con suối trước kia đã được doanh nghiệp “nắn lại”. |
Cơn mưa kéo dài mấy tiếng đồng hồ của đêm trước khiến gần 30 ha cây ăn trái gồm thanh long, xoài, mít, mãng cầu tại khu vực sản xuất Hồ Cây Tra thuộc tổ 1, tổ 2, thôn Tiến An có vẻ mơn mởn, căng tràn nhựa sống. Mấy quả thanh long, mãng cầu còn sót lại sau thu hoạch được tưới tắm dưới mưa được thể lớn nhanh, bóng bẩy. Sào mít kế cạnh quả cứ thế sắp chồng lên nhau, hình như có vài quả đang vào độ chín nên mùi thơm tỏa ra khiến chúng tôi cứ muốn ở mãi giữa bạt ngàn cây trái mà hít hà. Vậy nhưng để vận chuyển những nông sản từ khu sản xuất này ra bán cho thương lái thật lắm gian nan và giá chỉ còn phân nửa.
Sự việc bắt đầu từ năm 2003 khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1174 giao đất cho Doanh nghiệp tư nhân du lịch Miền Đông thực hiện dự án, trong đó có cả phần đất trống khu vực suối người dân đang sử dụng để đi lại. Sau khi nhận đất, doanh nghiệp đã rào vây con suối và cải tạo thành cống nước, nên người dân muốn đi lại, vào rẫy sản xuất phải đi nhờ qua đất của ông Lê Văn Lý. Tuy nhiên phần đất đi nhờ cũng nhỏ hẹp, nhầy nhụa, xe tải không thể ra vào thu mua nông sản mà phải chở hàng hóa bằng xe máy ra đường Lạc Long Quân cho thương lái. Ông Đỗ Văn Nên – người dân sống lâu năm ở đây cho biết, gia đình ông vừa làm nông, vừa làm biển. Thời gian trước những năm 2000, việc giao thương, đi lại làm ăn của gia đình khá thuận tiện. Thế nhưng từ năm 2003 trở lại đây, việc mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản rất khó khăn. Gia đình ông có 5,5 ha đất chuyên trồng cây ăn trái, đến vụ thu hoạch phải thuê người chuyên chở từ rẫy ra bằng xe honda rất cực khổ.
Đường vào khu sản xuất rất khó đi. |
Ông Vương Tứ Đường thông tin thêm: “Mới đây, Doanh nghiệp tư nhân du lịch Miền Đông treo bảng thông báo tháng 6 sẽ thi công công trình, đề nghị người dân tìm đường khác đi. Trước thông báo trên, ông cũng như một số hộ dân tại tổ 1, tổ 2, thôn Tiến An bức xúc gỡ xuống. Chúng tôi biết đi đường nào đây khi con suối trước kia nay đã ngập sâu và liệu ông Lý có cho đi nhờ trên đất mãi?”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thành Nguyễn Ngọc Trường cho biết: Thổ nhưỡng tại khu Hồ Cây Tra rất thích hợp để trồng cây ăn trái, tuy nhiên chưa có đường đi lại thuận tiện nên nhiều hộ không dám mạnh dạn đầu tư. Xã cũng kiến nghị UBND tỉnh gấp rút hoán đổi đất để làm đường cho bà con phát triển sản xuất.
Trước nỗi bức xúc của 27 hộ dân, UBND TP. Phan Thiết đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố kiểm tra việc giao đất cho dự án tại khu vực Hồ Cây Tra. Qua đó điều chỉnh ranh thu hồi, giao đất cho các dự án hoặc lập thủ tục thu hồi đất, bố trí kinh phí đền bù cho ông Lê Văn Lý để có con đường đi cho bà con.
Hy vọng sự việc trên nhanh chóng được giải quyết, để 27 hộ dân tổ 1, tổ 2, thôn Tiến An yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất.
Thùy Linh