Thời gian qua, trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng đáng kể, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 9,34 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, người Nhật quan tâm nhất đến chất lượng thực phẩm. Chính phủ Nhật Bản ban hành nhiều luật và quy định quản lý chất lượng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu, chú trọng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, quy mô hộ gia đình tại Nhật đang thu hẹp. Công việc bận rộn khiến người Nhật ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm tiện lợi (dễ nấu hoặc đã chế biến sắn, đóng gói túi nhỏ và được bán tại tất cả các chuỗi siêu thị lớn và các cửa hàng tiện lợi).
Lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm sang Nhật Bản, ông Minh cho biết, sản phẩm phải luôn đảm bảo chất lượng, thương hiệu của sản phẩm xuất khẩu. Doanh nghiệp cần thiết lập một kênh liên kết chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong mọi khâu từ sản xuất đến bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu; đồng thời hàng xuất khẩu cần có sự đa dạng về khẩu vị, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã, bao bì cho bắt mắt và hút khách hàng.
“Người tiêu dùng Nhật Bản khá nhạy cảm với thay đổi của giá cả. Do vậy, các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả cũng như lượng cung ứng từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm nhiều hơn nữa, vì những sản phẩm chất lượng chỉ thực sự được đón nhận khi được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nói.
Hiện nay, số lượng người dân đến từ các nước châu Á sinh sống và làm việc tại Nhật Bản lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, với số liệu thống kê khoảng gần 500.000 người trong năm 2021.
“Hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt và người dân các nước châu Á khác đón nhận, có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản”, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay.
Đáng chú ý, hiện nay một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa... đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận; hay như sản phẩm cà phê Việt Nam đã được nhập khẩu và bán tại chuỗi siêu thị OK - chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo. Bên cạnh đó, các sản phẩm nông, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản như AEON, Donkihote, Itoyokado...
Đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: FTA Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), FTA ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác, giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thực phẩm chế biến. Hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Lê Hoàng Tài đánh giá./.