Theo dõi trên

Người Phan Thiết chơi chim cảnh

26/06/2013, 10:10

BT - Sáng chủ nhật, tôi đi theo một người chở lồng chim đến công viên tượng đài Chiến Thắng trên đường Trần Hưng Đạo. Trong khi người đàn ông rẽ xe vào trong công viên, tôi dừng xe phía ngoài ngước nhìn lên trụ điện.

Sân chim

Hóa ra tụ điểm sinh hoạt của những người chơi chim cảnh “núp” ở phía sau tượng đài Chiến thắng. Trên sân sau của tượng đài có đến mấy mươi người chia nhau ngồi bên những chiếc bàn cà phê ghế thấp. Trên giàn sắt treo đầy những lồng chim. Một bên là dãy lồng chim họa mi, bên kia là dãy lồng chích chòe than. Những con chích chòe than lông lưng đen bụng trắng thật đẹp. Tiếng chim hót râm ran cùng với tiếng người trò chuyện làm cho không khí sân chơi khá rộn ràng. Tôi tìm một chiếc ghế trống đem lại một bàn cà phê đã có người xin cùng ngồi chung. Sau một lúc trò chuyện, mới biết tôi ngồi cùng bàn với ông Ngô Xuân Nam, chủ tịch Câu lạc bộ chim cảnh Phan Thiết. Cùng ngồi còn có những hội viên chơi chim cảnh “lão làng”: anh Tiếp, anh Hiệp và vài người lớn tuổi nữa.

Hàng ngày, hội viên câu lạc bộ mang chim đến tụ điểm này treo lồng, uống cà phê trao đổi kinh nghiệm và thưởng thức tiếng chim hót. Hôm nay cũng thế, họ ngồi trò chuyện nho nhỏ trong tiếng chim râm ran. Tầm 8 - 9 giờ, lần lượt từng người đến gỡ lồng chim xuống, kéo áo vải trùm lồng và ra về. Chủ quán cà phê cũng từ từ thu dọn bàn ghế. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Nam: “Sao thấy ngoài bảng ghi sinh hoạt từ 6 – 15 giờ chiều mà anh?”. Anh Hiệp chen vào: “Ghi thế thôi chứ thực tế sáng từ 6 đến 9 giờ. Chiều từ 1 đến 3 giờ. Mỗi ngày hai bận. Buổi sáng chơi chim họa mi và chích chòe than. Chiều anh trở lại đây xem chim chích chòe lửa”. 

Chơi vì sở thích và lòng nhân hậu

Những hội viên lớn tuổi ở đây đã khởi đầu chơi chim từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nhiều năm trước, một nhóm bạn chơi chim thường gặp nhau ở sân chơi quán cà phê bình dân của nhạc sĩ Việt Trãi. Nhóm thứ hai tập hợp ở công viên Lầu Nước. Khi ấy chưa có câu lạc bộ, anh em cùng thích chơi chim cảnh nên tự phát gặp nhau. Anh Ngô Xuân Nam nói: “Câu lạc bộ mới chính thức thành lập từ năm 1997, từ đó sinh hoạt của câu lạc bộ mới có bài bản, một năm tổ chức hội thi chim cảnh ba lần vào những dịp lễ lớn. Năm nay câu lạc bộ đã tổ chức hội thi chim đến lần thứ 44”.

Hội viên câu lạc bộ chim cảnh Phan Thiết hiện nay có 80 người. Người chơi chim cảnh có đủ mọi thành phần: sinh viên, viên chức, người về hưu, cựu chiến binh… Đặc biệt, trong số 80 hội viên của câu lạc bộ chim cảnh chỉ có một người nữ duy nhất, đó là cô H, một lương y. Hầu hết những người chơi chim cảnh phát xuất từ sở thích và lòng đam mê. Riêng H chơi chim trước hết từ lòng nhân hậu.

Hai năm trước H chẳng biết chim cảnh là gì! Một hôm đi ngang qua chợ chim, cô thấy một con chích chòe lửa gãy cánh nằm thoi thóp trong lồng. Là lương y, cô thấy thương con chim. Cô nghĩ “Nếu để mặc nó ở đó thế nào nó cũng chết”. Cô bèn hỏi mua. Người bán nói chim có giá 190 ngàn đồng, nhưng để cho cô giá 150 ngàn đồng. Vậy là cô mua luôn.

Đem chim về nhà, cô chăm sóc chữa trị vết thương cho chim 3 ngày thì sức khỏe chim hồi phục và bay được. Đến cuối tuần cô quyết định phóng sinh chim. Đúng lúc ấy, chim cất tiếng hót. Tiếng chim hót rộn ràng làm H xúc động, và quyết định nuôi chim thêm một tuần nữa. Đến cuối tuần sau, cô lại quyết định thả chim. Lần này thì chim bay đi, nhưng… đến chiều thì chim lại bay về. H thả chim ba lần chim đều trở về như vậy, cô quyết định nuôi luôn. Từ con chim đầu tiên nuôi vì lòng nhân hậu đó, đến nay H đã sở hữu 27 lồng chim gồm nhiều loại: họa mi, chích chòe than, chích chòe lửa, khướu bạc má, vành khuyên, vàng anh, chim sâu đầu đỏ, chào mào… H còn có một niềm vui khác là cô sở hữu một loại chim mà cả câu lạc bộ chỉ một mình cô có: chim thanh lam.  Có thể nói cô là người sở hữu nhiều lồng chim, loài chim nhất câu lạc bộ.

Người chơi chim cảnh, một khi có được chú chim bộ mã đẹp, tiếng hót hay, cách đá giỏi thì rất sướng. Khi đem chim đi thi, nếu chim thắng giải thì lại càng khoái. Lúc ấy, con chim được giải giá trị tự nhiên tăng đến năm, mười lần và hơn nữa. Tuy nhiên, để có được niềm vui đó, người chơi chim phải mất nhiều công sức chăm sóc. Ví dụ như H, mỗi ngày đi làm về nghỉ ngơi một chút là dành ra gần ba tiếng đồng hồ để vệ sinh lồng, cho chim ăn, tắm chim. Anh Hiệp nói: “Cũng phải học hỏi để biết nên cho chim ăn gì. Ví dụ như họa mi thì thức ăn chủ yếu là cào cào, cộng thêm vài con sâu lớn. Không được cho họa mi ăn sâu nhỏ, vì ăn sâu nhỏ họa mi sẽ khàn giọng, hót không hay. Mỗi ngày nên cho chim phơi nắng dịu khoảng 1 giờ là tốt nhất. Cũng phải siêng thay nước uống cho chim, vì thức ăn rơi vãi vào cóng nước sẽ làm nước bị chua”. 

Giá trị tính bằng tiền

Buổi chiều tôi và Hiệp lại cùng ngồi với nhau ở sân chơi chim. Bây giờ trên giàn sắt không còn những chiếc lồng họa mi và chích chòe than nữa mà thay vào đó là hàng chục chiếc lồng chích chòe lửa. Chim chích chòe lửa có bộ lông thật đẹp. Phần trên lưng từ đầu đến đuôi đen tuyền, dưới bụng lông lại có màu vàng sậm. Bộ lông chim được thiên nhiên phối màu có vẻ đẹp tự nhiên và nổi bật. Nhưng giá trị của chim chích chòe lửa ngoài vẻ đẹp, tiếng hót, cách đá, còn là ở chiều dài của chiếc đuôi. Chích chòe lửa đuôi càng dài thì càng có giá.

Anh Hiệp cho biết một con chim cảnh thuộc loại đẳng cấp cơ bản thường có giá từ một đến vài ba triệu đồng một con. Chúng đã được nuôi, luyện cẩn thận trước khi ra mắt trên giàn sắt ở câu lạc bộ. Cá biệt, có những chú chim có giá từ mười đến vài mươi triệu, thậm chí loại chim chào mào có con lên đến trên dưới một trăm triệu đồng. Những chú chim giá trị thường được chủ nuôi trong những chiếc lồng xứng với đẳng cấp của chim. Bình thường, lồng có giá từ vài trăm ngàn đồng đến trên một triệu đồng/chiếc. Một chiếc lồng được chạm trổ cầu kỳ tương hợp với đẳng cấp của chim có giá từ ba đến mười triệu đồng tùy theo độ bền của vật liệu làm lồng, cách thức chạm trổ hoa văn.

Ngồi trước mặt chúng tôi là một chàng trai tầm 30 tuổi. Hiệp chỉ và nói: “Anh này tên T, vừa bán một con chích chòe lửa giá 20 triệu đồng. Con chòe của T hay lắm, hễ thi là có giải. Một người ở TP Hồ Chí Minh xem chim thích quá, trả giá 15 triệu đồng, nhưng T cưng chim không bán. Tiếng trả giá tiếp theo lên đến 20 triệu đồng. T xiêu lòng và tạm biệt con chim cưng trao sang chủ mới”.

Một bạn trẻ tầm 30 tuổi khác ghé vào sân chim, treo lên giàn một chú chích chòe lửa khác. Chiếc lồng chim của bạn này chạm trổ rất cầu kỳ. Hiệp giới thiệu: “Anh này cũng tên T, vừa mua một con chích chòe lửa với giá 15 triệu đồng”. Tôi khai thác thông tin, bèn hỏi anh bạn vừa treo chim: “Con chòe lửa này nghe nói bạn mua giá 15 triệu phải không?”. Người bạn trẻ cười: “Con này mà 15 triệu gì chú! Lông đuôi của nó dài có 17 (cm). Con 15 triệu lông đuôi dài đến 24 (cm)”. Tôi nhận ra, đích thực chim chòe lửa lông đuôi càng dài thì càng giá trị.              

HOàng CẦm



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Phan Thiết chơi chim cảnh